Báo cáo thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 của Ủy ban Tài chính cho biết, Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong đó, Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được phê duyệt tháng 6.2020 nhưng hơn một năm sau, đến 14.10.2021, Chính phủ mới có Quyết định phê duyệt Chương trình và đến 30.12.2021 mới ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn.
Hai chương trình còn lại (xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững) chưa được phê duyệt quyết định đầu tư trong năm 2021, chưa đủ điều kiện phân bổ vốn, không triển khai thực hiện.
Điều này dẫn đến phải chuyển nguồn 16.000 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021 sang kế hoạch năm 2022 để phân bổ và giao kế hoạch đầu tư cho 3 chương trình.
Đến ngày 19.4.2022, Chính phủ mới có Tờ trình Dự kiến phương án phân bổ ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Ủy ban Tài chính cho rằng, việc chậm triển khai và phân bổ vốn chương trình mục tiêu quốc gia ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những địa bàn khó khăn. Đồng thời tác động đến thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Sự chậm trễ này “gây lãng phí lớn về nguồn lực ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến khả năng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022”, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.
Tương tự, tiến độ thực hiện, khả năng hoàn thành một số dự án trọng điểm, công trình quan trọng quốc gia cũng rất chậm, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP. Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Tham Lương được phê duyệt năm 2010, đến tháng 10.2021 lũy kế giải ngân vốn ODA chỉ đạt 2,5%, vốn đối ứng chỉ đạt 2,09%.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được phê duyệt năm 2008, hiện nay vẫn đang làm thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 19.555 tỷ đồng lên 35.679 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đến tháng 8.2021 chỉ đạt 974 tỷ đồng.
Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành không đảm bảo tiến độ quy định tại Nghị quyết 53/2017/QH14 của Quốc hội.
Đến hết năm 2021, dự án này mới giải ngân được 63% kế hoạch đã giao; trong đó kế hoạch năm 2021 giải ngân là 1.853 tỷ đồng, chỉ đạt 39,78% so với kế hoạch năm 2021. Còn 304 ha đất thuộc diện tích đất xây dựng cảng hàng không giai đoạn I và 340,59 ha đất thuộc diện tích đất dự trữ chưa được giải phóng mặt bằng, gây khó khăn trong việc triển khai thi công, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Ngoài ra, một số dự án thành phần còn chậm; chưa có báo cáo làm rõ công tác bố trí vốn xây dựng trụ sở các cơ quan công an, cửa khẩu, xuất nhập cảnh và kiểm dịch;…