Xuất phát từ thực tiễn
Thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự vào cuộc quyết liệt của Công an tỉnh, các sở, ban ngành chức năng và UBND các cấp, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Số vụ tai nạn, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông đường bộ liên tục được kéo giảm. Cụ thể, năm 2013 trên địa bàn tỉnh xảy ra 330 vụ tai nạn giao thông, làm 222 người chết và 291 người bị thương; đến năm 2022, con số được kéo giảm xuống còn 159 vụ, 110 người chết và 101 người bị thương.
Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, tốc độ phát triển phương tiện giao thông những năm qua tăng đột biến (đặc biệt là phương tiện ô tô cá nhân, ô tô vận tải hàng hóa), nhưng tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Hoạt động vận tải đường sắt, đường biển chưa được phát huy; hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa chủ yếu thực hiện trên đường bộ… Nhiều loại hình giao thông vận tải đường bộ mới phát sinh, chưa được điều chỉnh trong Luật Giao thông đường bộ 2008, như: Hoạt động của xe ô tô chở khách chạy bằng năng lượng điện; hoạt động vận tải khách thông qua các ứng dụng công nghệ (grap, Uber…); các loại hình vận tải khách (xe ghép, xe tiện chuyến, xe dù…) dẫn đến nhiều khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm; nhiều tuyến đường chưa bảo đảm được đầy đủ các yếu tố để giao thông thuận lợi, bảo đảm an toàn… Bên cạnh đó, trật tự, kỷ cương, văn hóa tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét; tình trạng người dân ngang nhiên vi phạm giao thông, xem thường pháp luật và không chấp hành việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng còn phổ biến…
Thực tế trên, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Hải cho rằng: Việc trình Quốc hội thông qua dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết, phù hợp với các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước và phù hợp với đặc điểm tình hình hoạt động giao thông đường bộ của nước ta hiện nay… Theo ông Hải, Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau sửa đổi lần 5 đã được cơ quan soạn thảo đưa vào các điều khoản quy định mang tính khoa học và thực tiễn cao, trên cơ sở nội luật hóa quy định của Công ước Viên năm 1968 về Giao thông đường bộ và phù hợp với điều kiện Việt Nam… “Dự thảo cũng đã luật hóa một số quy định ở các văn bản dưới luật; các từ ngữ dễ hiểu, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện cũng như thuận lợi cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật”, ông Hải nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hải, dự án Luật đã bổ sung các điều, khoản cụ thể, chi tiết mà Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa điều chỉnh, trong đó có những nội dung quan trọng, như: Đã bổ sung các quy định chi tiết về đăng ký, cấp biển số xe cụ thể, rõ ràng hơn, bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, phục vụ người dân (Chương III); bổ sung đầy đủ quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông để cụ thể hóa những biện pháp, cơ chế tổ chức giao thông an toàn, phòng ngừa, giải quyết ùn tắc và khắc phục các bất cập là nguyên nhân dẫn đến tai nạn, ùn tắc giao thông (Chương IV);… Đồng thời, đã Luật hóa về giải quyết tai nạn giao thông đường bộ (tại Chương V) để bảo đảm sự thống nhất, quyền và nghĩa vụ hợp pháp của các bên có liên quan trong giải quyết tai nạn giao thông.
Bên cạnh đó, Dự án Luật cũng đã thay đổi phương thức tuần tra, kiểm tra theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật (Chương VI) để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử phạt vi phạm theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật… Nội dung quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ (tại Chương VII) cũng đã được quy định thống nhất, đồng thời giao trách nhiệm cho Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình đối với công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Bổ sung quy định khắc phục điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT
Góp ý cụ thể vào Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Hải đề nghị bổ sung trách nhiệm về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ đối với các bộ, ngành có liên quan (vào Điều 6)... Đồng thời, dự án Luật cần bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm vào Điều 8 (các hành vi bị nghiêm cấm) gồm: Phá hoại, trộm cắp, làm hư hỏng hệ thống báo hiệu về an toàn giao thông đường bộ; kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới đường bộ không đủ điều kiện theo quy định.
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nghệ An cũng đề nghị gộp khoản 2 (Điều 18) vào Điều 17 (dừng xe, đỗ xe, mở cửa xe); chuyển khoản 1 (Điều 18) về việc không được mở cửa xe, để cửa xe mở khi xe đang di chuyển vào Điều 8 (các hành vi bị nghiêm cấm)… Cùng với đó, cần bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài chính và UBND các cấp trong việc bảo đảm kinh phí cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ vào Điều 59 (Trách nhiệm quản lý nhà nước); đặc biệt là kinh phí dành cho công tác bảo trì thường xuyên hệ thống báo hiệu đường bộ như sơn kẻ đường, đèn tín hiệu, biển báo..; ưu tiên kinh phí giải tỏa các công trình, vật kiến trúc che khuất tầm nhìn gây mất an toàn giao thông; kinh phí khắc phục điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Cũng theo ông Hải, dự án Luật cũng cần bổ sung quy định về việc quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng, vận hành các thiết bị phụ trợ an toàn giao thông, như: Đèn tín hiệu giao thông, Camera giám sát giao thông… “Đồng thời, Ban Soạn thảo cũng cần nghiên cứu bổ sung nội dung quy định về quy trình, thủ tục phát hiện và xử lý, khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ. Vì đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng”, ông Nguyễn Văn Hải đề xuất.