Ủy ban Bầu cử quốc gia Slovenia cho biết sau khi kiểm được 99,91% số phiếu trong cuộc bầu cử cuối tuần qua, ứng cử viên về nhất là cựu Thủ tướng Pakhor với 40% số phiếu ủng hộ, người về nhì là Tổng thống đương nhiệm Turk, được 35,84% số phiếu và Chủ tịch đảng Dân chủ cầm quyền Milan Zver chỉ nhận được 24,16% số phiếu ủng hộ. Như vậy, cuộc bầu cử tổng thống vòng hai, dự kiến diễn ra ngày 2.12 tới, sẽ là “cuộc đua” song mã của ông Pakhor và ông Turk. Cũng theo Ủy ban trên, chỉ có khoảng 47,68% trong tổng số 1,7 triệu cử tri thực hiện quyền công dân của mình và đây là con số thấp nhất kể từ năm 1991, khi Slovenia tách ra khỏi LB Nam Tư.
Sự bứt phá của cựu Thủ tướng Pakhor khiến Tổng thống Turk không thể coi thường dù đây không phải lần đầu tiên ông rơi vào tình thế “mấp mé bờ vực”. Trong cuộc bầu cử cách đây 5 năm, ông Turk cũng buộc phải “thử lửa” trong lần bỏ phiếu thứ hai để lên tới ngôi vương. Tuy nhiên, năm 2007 là thời điểm “bão” tài chính bắt đầu bùng nổ từ Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới – và lan rộng ra toàn cầu. Khi đó, người dân bỏ phiếu cho ông Turk với hy vọng nhà ngoại giao này có thể giúp Slovenia vượt qua giai đoạn khó khăn. Song, 5 năm sau, Slovenia vẫn chưa thoát được suy thoái kinh tế trầm trọng và có thể sẽ là nước thứ 6 trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cần đến gói cứu trợ quốc tế. Kết quả tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp và tỷ lệ ủng hộ Tổng thống đương nhiệm không cao cho thấy sự thất vọng của người dân đối với các quyết sách của chính phủ.
Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là mọi cánh cửa đã khép lại với chính quyền đương nhiệm. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua là một ví dụ điển hình. Cử tri Mỹ vẫn bỏ phiếu cho Tổng thống Obama dù nền kinh tế Mỹ phục hồi mong manh, tỷ lệ thất nghiệp xấp xỉ 10%, nợ công hơn 16.000 tỷ USD và thâm hụt ngân sách 1.600 tỷ USD. Có thể họ muốn dành thêm một cơ hội cho vị tổng thống của mình để thực hiện các chính sách kinh tế đòi hỏi thời gian lâu dài để chứng tỏ tính hiệu quả và ông Turk có thể hy vọng điều này cũng xảy đến với cử tri Slovenia.
Thực tế, trong 5 năm qua, vị giáo sư luật quốc tế 60 tuổi này đã nhanh chóng chuyển từ vai trò Trợ lý Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị sang vai trò nhà lãnh đạo một đất nước nhỏ bé với hơn 2 triệu dân. Ông đã thích nghi với trọng trách mới và trở thành “một vị tổng thống của dân” tại Slovenia non trẻ ra đời cách đây 21 năm. Tuy nhiên, một thách thức lớn mà chính khách trung tả này chưa vượt qua được – đó là hàn gắn những vết rạn nứt trong đời sống chính trị. Theo một số nhà phân tích, đây có lẽ chính là một trong những lý do khiến ông chỉ về thứ hai trong cuộc bầu cử vừa qua.
Trong khi đó, dù tạm thời dẫn trước, song cựu Thủ tướng Pakhor chưa thể yên tâm vào một chiến thắng. Lợi thế của ông, theo Borut Hocevar, một chuyên gia phân tích chính trị của nhật báo “Tài chính”, đó là cử tri coi chính khách theo đường lối trung hữu này là cầu nối giữa chính phủ và phe đối lập. Song, yếu thế của Pakhor là ông từng là thủ tướng Slovenia giai đoạn 2008 – 2011 khi chính phủ bị giải tán liên quan tới các đạo luật cải cách không được lòng dân, và ông cũng không thực sự là một tài năng tỏa sáng. Vì thế, đánh giá cơ hội của hai đối thủ Turk và Pakhor trong cuộc bỏ phiếu vòng hai tới, giới quan sát phần nhiều nghiêng về nhận định Tổng thống đương nhiệm Turk sẽ lật ngược được thế cờ và lách qua khe cửa hẹp để tái đắc cử.