Góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại phiên thảo luận tổ sáng 10.11, đại biểu Quốc hội, Thượng tọa Thích Đức Thiện (Điện Biên) cho biết, qua nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, đại biểu thấy rằng việc Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết này hết sức cần thiết để tránh thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Qua rà soát của Tổng cục thuế, năm 2022 có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu với phần thuế thu nhập doanh nghiệp chênh lệch khoảng hơn 14.600 tỷ đồng.
Cùng với đó, có 6 tập đoàn trong nước chịu ảnh hưởng của thuế này, gồm Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tập đoàn Hòa Phát với số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung dự kiến gần 73 tỷ đồng.
Như vậy, ngân sách nhà nước có thể tăng thu hàng chục nghìn tỷ đồng trong trường hợp Việt Nam quyết định áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và các nước mà 6 tập đoàn trong nước đầu tư không áp dụng và các tập đoàn nước ngoài chọn nộp thuế ở Việt Nam thay vì nộp về nước mẹ. Nam.
Cũng nhất trí ban hành Nghị quyết, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho biết, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm đến nội dung này vì liên quan trực tiếp đến quyền lợi của những doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi thuế.
Theo đại biểu Tạ Thị Yên, thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng.
Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
“Như vậy có nghĩa là, dù mình có ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp FDI như thế nào đi nữa (dưới 15%), thì các quốc gia khác cũng sẽ thu của doanh nghiệp đó phần chênh lệch. Vì vậy, tôi đồng tình Việt Nam cần áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện thuế thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về môi trường pháp lý tại Việt Nam”, đại biểu Tạ Thị Yên nói.
Tuy nhiên, sau khi áp dụng thuế, Bộ Tài chính cần đánh giá tác động đến ngân sách để cân đối ngân sách giai đoạn 2021 – 2025 và điều chỉnh chính sách chi cho phù hợp, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị.
Đặc biệt, theo đại biểu Tạ Thị Yên, khi Việt Nam áp dụng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang trong thời gian hưởng ưu đãi miễn giảm và có mức thuế suất thực tế thấp hơn 15%.
Vì vậy, để tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới, đại biểu Tạ Thị Yên hy vọng: “Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương sẽ tìm ra được những đòn bẩy kinh tế mới, kể cả các ưu đãi khác hoặc có những giải pháp phi kinh tế mới tương xứng, hữu hiệu, toàn diện, phát huy lợi thế so sánh, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, chất lượng nguồn nhân lực, thủ tục hành chính của ngành mình, địa phương mình".
Điều này nhằm bảo đảm quá trình chuyển dịch vốn đầu tư vào Việt Nam vẫn được diễn ra một cách thuận lợi, nhất là khi đầu tư vào các ngành công nghệ cao, năng lượng mới, mang lại việc làm, thu nhập cho người dân và sự phát triển cho đất nước.
Cùng quan điểm, đại biểu Thích Đức Thiện cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành chuyên môn nghiên cứu các chính sách để vừa bảo đảm tăng thu thuế nhưng cũng phải bảo đảm được môi trường đầu tư ở Việt Nam. “Nếu không giải quyết nhanh, sẽ khó đón các tập đoàn lớn”, đại biểu Thích Đức Thiện nói.