Theo dòng sự kiện

Cần sớm sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân

Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ gia cảnh, nhất là mức giảm trừ đối với người phụ thuộc, hiện đã quá lạc hậu và không còn phù hợp với thực tế cuộc sống. Phản ánh ý kiến này của cử tri tại phiên thảo luận sáng qua, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, Chính phủ cần sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào cuối tháng 10 năm nay và thông qua vào tháng 5.2025, mà không chờ 2 năm nữa (đến 2026) mới thông qua như đề xuất.

Phân tích các khía cạnh của vấn đề, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, mức giảm trừ đối với người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng thực sự không còn phù hợp với thực tế, nhất là ở những thành phố lớn, và đang gây thiệt thòi cho người nộp thuế. Bởi, mức giảm trừ này được duy trì từ năm 2020, trong khi gần 5 năm qua rất nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều tăng, thậm chí có những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu “còn tăng nhanh hơn tăng thu nhập”. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, so với năm 2020, giá dịch vụ giáo dục tăng 17%, giá lương thực tăng 27%, đặc biệt giá xăng tăng tới 105%...

Mức giảm trừ gia cảnh quá lạc hậu, đại biểu đề nghị đẩy nhanh tiến độ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Do đó, quy định mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay là “chưa thực sự phản ánh đúng mức chi tiêu cơ bản của gia đình và các cá nhân cũng như thực tế cuộc sống”. Nêu bất cập này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, “nếu phải chờ thêm 2 năm nữa mới thông qua Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) như đề xuất, thì rất nhiều người dân sẽ trong cảnh phải “thắt lưng buộc bụng, nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân”.

Khía cạnh thứ hai, theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đó là sự bất hợp lý trong tính theo rổ hàng hóa CPI. Theo quy định tại Điều 19, Luật Thuế thu nhập cá nhân, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Tại họp báo thường kỳ tháng 3 vừa qua, đại diện Bộ Tài chính cho biết chưa đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh vì biến động CPI chưa đến 20%. Nhiều chuyên gia và cử tri cho rằng, Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành lấy tiêu chí là biến động CPI trên 20%, tức là phải dựa trên rổ hàng hóa gồm 752 mặt hàng, là bất hợp lý. Trong khi đó các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của người dân chỉ khoảng trên 20 mặt hàng, vì thế việc chờ tính mức trung bình mức giá của 752 mặt hàng sẽ rất lâu mới được điều chỉnh gia cảnh, thậm chí 6 - 7 năm. Đây là khoảng thời gian quá dài, sẽ không phản ánh kịp thời những biến động trong chi tiêu của người dân và các hộ gia đình, do vậy sẽ gây thiệt thòi cho người dân.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, quy định mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chưa phù hợp với điều kiện của quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp như nước ta với phần lớn thu nhập của người dân sẽ dành cho hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Ví dụ, thu nhập 10 triệu đồng/tháng, thì chi cho hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chiếm đến 70%. Khảo sát của các chuyên gia Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho thấy, đối với những quốc gia người dân có thu nhập cao tương đương khoảng 100 triệu đồng/tháng, thì chi cho hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chỉ chiếm 30 - 40%. Do đó, quy định về mức giảm trừ gia cảnh hiện nay sẽ “ảnh hưởng trực tiếp đến chi cho nhu cầu thiết yếu của người dân”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói.

Theo kế hoạch, từ ngày 1.7 tới đây, chúng ta sẽ thực hiện chính sách cải cách tiền lương và dự kiến mức lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng khá nhiều so với hiện nay. Tuy nhiên, lương tăng nhưng mức thuế thu nhập cá nhân và giảm trừ gia cảnh chưa được điều chỉnh kịp thời sẽ “gây âu lo cho người lao động”, vì “lương tăng đồng nghĩa với việc thu nhập tính thuế sẽ tăng”. Chính vì vậy, “việc không điều chỉnh kịp thời sẽ cũng ảnh hưởng trực tiếp đến ý nghĩa của chính sách cải cách tiền lương”.

Giải trình về vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay đối với những người có thu nhập có một người phụ thuộc, thì mức thu nhập 17 triệu đồng/tháng trở lên mới phải nộp thuế thu nhập và nếu có 2 người phụ thuộc, thì phải có thu nhập trên 22 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế thu nhập.

Bộ trưởng cũng lý giải về việc chưa trình việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là bởi, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thì thu nhập bình quân hiện nay là 4,96 triệu đồng. Như vậy, “mức giảm trừ để nộp thuế là 11 triệu đồng đã cao hơn mức thu nhập bình quân 2,2 lần, trong khi trên thế giới là dưới một lần”. Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, CPI của năm 2023 tăng 3,25% so với năm trước, năm 2022 tăng 3,15% và năm 2021 tăng 1,84%… trong khi đó theo quy định hiện hành thì phải trên 20% mới thực hiện tăng giảm trừ gia cảnh. “Điều này có nghĩa là Bộ Tài chính đang thực hiện đúng luật”, Bộ trưởng khẳng định.

Theo Chương trình, dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10.2025 và thông qua vào tháng 5.2026. Nhưng, “nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định cuối năm nay sẽ làm ngay và đến tháng 5.2025 thông qua, thì chúng tôi chấp hành”. Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng cũng cho biết, khi tính đến phương án xây dựng Luật sẽ xin ý kiến của đại biểu Quốc hội và Nhân dân để có được quy định phù hợp; đồng thời, có nên quy định khi CPI vượt từ 20% trở lên mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh hay không, thì “lúc đấy sẽ bàn”.

Sau một ngày thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, đã có 57 đại biểu Quốc hội phát biểu và 3 đại biểu tranh luận. 

Mức giảm trừ gia cảnh đã quá lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế cuộc sống là một trong rất nhiều vấn đề quốc kế dân sinh được các đại biểu đặt lên bàn nghị sự với những đề xuất, kiến nghị rất cụ thể với Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan.

Và, "mặc dù đã cố gắng sắp xếp hợp lý hơn", như chia sẻ của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, vẫn còn 63 đại biểu đăng ký nhưng chưa phát biểu vì hết thời gian. 

Dẫu vậy, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và các ý kiến phong phú, toàn diện, sâu sắc đã cho thấy tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu đối với những vấn đề quan trọng của đất nước cũng như những vấn đề dân sinh bức xúc đang được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm, theo dõi. Qua đó, khẳng định tính hiệu quả của hoạt động nghị trường cũng như vai trò, trách nhiệm của những người đại biểu mà cử tri và Nhân dân đã tin cậy bầu ra. 

Chính trị

Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho báo chí hoàn thành tốt nhiệm vụ
Thời sự Quốc hội

Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho báo chí hoàn thành tốt nhiệm vụ

Đây là giai đoạn rất khó khăn với báo chí, cả về mặt cạnh tranh thông tin và kinh tế báo chí. Chia sẻ điều này, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban sẽ đồng hành với Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như với các cơ quan báo chí, nghiên cứu xây dựng chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc...

Cần hạn chế thấp nhất các khoản chi không phân bổ ngay từ đầu năm, chậm phân bổ
Thời sự Quốc hội

Cần hạn chế thấp nhất các khoản chi không phân bổ ngay từ đầu năm, chậm phân bổ

Sáng 2.10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh, Ủy ban Tài chính – Ngân sách tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ 25, thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; Kế hoạch tài chính 3 năm 2025-2027; Kế hoạch đầu tư công năm 2024 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2025.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình phát biểu tại cuộc làm việc
Thời sự Quốc hội

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND tỉnh An Giang

Sáng 2.10, tại tỉnh An Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ trì cuộc làm việc với UBND tỉnh An Giang về việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024.

Toàn cảnh phiên họp
Thời sự Quốc hội

Ban Tổ chức kỷ niệm 80 năm Ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam họp phiên thứ hai

Sáng 2.10, tại Nhà Quốc hội, Ban Tổ chức kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6.1.1946 - 6.1.2026) đã họp phiên thứ hai dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức kỷ niệm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Ireland
Sự kiện nổi bật

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Ireland

Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tại Mông Cổ, chiều tối 1.10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời sân bay Thành Cát Tư Hãn, thủ đô Ulan Bator đi thăm cấp Nhà nước tới Ireland từ ngày 1- 3.10.2024, theo lời mời của Tổng thống Ireland Michael D. Higgins.