Thách thức vẫn lớn
Theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, từ ngày 1.1.2026, không sản xuất và nhập khẩu túi nilon khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50 cm x 50 cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50 µm, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu hoặc sản xuất, nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.
Sau ngày 31.12.2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nilon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu và trường hợp sản xuất, nhập khẩu bao bì nhựa khó phân hủy sinh học để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.

Nghị định cũng nêu rõ, UBND cấp tỉnh ban hành quy định và tổ chức triển khai hoạt động quản lý chất thải nhựa; bảo đảm sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nilon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch, trừ sản phẩm, hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học. Quy định này đã tạo cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp có lộ trình chuyển đổi thị trường sản phẩm nhựa khó phân hủy sang các sản phẩm thân thiện môi trường.
Nhằm hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy, các địa phương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp.
Đơn cử, tại Bình Phước, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 143/KH-UBND thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 202 1- 2025” trên địa bàn. Các cơ quan hành chính nhà nước đã hạn chế sử dụng nước uống đóng chai nhựa trong công sở và khi tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, hoạt động ngoài trời, chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn (20 lít) hoặc sử dụng các vật liệu khác thân thiện với môi trường; hạn chế sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa và giảm tối đa việc sử dụng túi nilon khó phân hủy trong các hoạt động mua sắm, vận chuyển tại cơ quan, nơi làm việc.
Cùng với đó, tỉnh phát động và tổ chức triển khai thường xuyên, liên tục các phong trào thi đua "Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và nilon", "Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần"; tổ chức vận động ký cam kết hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy giữa các khu dân cư, chợ, trung tâm thương mại với UBND xã, thị trấn…
Tại Hải Phòng, UBND thành phố ban hành Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trên địa bàn, trong đó đặt mục tiêu đến 2025 giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển trên địa bàn thành phố không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy. Đến năm 2030, 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển trên địa bàn thành phố không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy…
Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa, sản phẩm nhựa dùng một lần; ban hành cơ chế ưu đãi, hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa…

Tại Khánh Hòa, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Phụ nữ Khánh Hòa tham gia phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn tỉnh năm 2025, với các chỉ tiêu cụ thể như: 100% hộ gia đình cán bộ hội, trên 85% hộ gia đình hội viên phụ nữ được tiếp cận những kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường, làm thay đổi từ nhận thức đến hành động cụ thể để hạn chế dần và tiến tới loại bỏ việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy, thay thế bằng sản phẩm thân thiện với môi trường; vận động 70% cơ sở sản xuất, kinh doanh do phụ nữ làm chủ cam kết thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”; vận động 20% cơ sở, sản xuất kinh doanh ký cam kết sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, thay thế túi nilon và sản phẩm nhựa trong sản xuất…
Dù vậy, thách thức rác thải nhựa vẫn rất lớn. Thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho thấy, mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó 0,28 - 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Quy mô sản xuất, giá thành và thị trường sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu với người tiêu dùng. Việc tiêu dùng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy diễn ra phổ biến, người tiêu dùng khó thay đổi thói quen tiêu dùng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy…
Cần ban hành tiêu chuẩn, hướng dẫn cho sản xuất sản phẩm thay thế
Theo lộ trình, chỉ còn gần 8 tháng nữa, quy định không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch sẽ có hiệu lực. Thời gian không còn nhiều, trong khi thách thức, khó khăn rất lớn.

Các chuyên gia khuyến nghị, để hạn chế, tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy sinh học, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng, qua đó thay đổi thói quen tiêu dùng.
Trong báo cáo Khuyến nghị chính sách nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy (thuộc Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) thực hiện), các chuyên gia của Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường đề xuất, cần ban hành các tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể về yêu cầu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sản phẩm thay thế.
Nhà nước cũng cần ban hành các quy định hoặc hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chứng nhận đối với các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy để tạo điều kiện cho các sản phẩm này được hưởng các ưu đãi về bảo vệ môi trường cũng như hỗ trợ cho việc truyền thông tiếp thị với các sản phẩm này.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu có cơ chế cho phép công nhận đối với các sản phẩm thay thế của Việt Nam đã được chứng nhận phù hợp từ các tổ chức tiêu chuẩn, quy chuẩn, đánh giá có uy tín trên thế giới, nhất là trong bối cảnh Việt Nam chưa xây dựng được hệ thống chứng nhận sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường của riêng mình. Việc công nhận các chứng chỉ, chứng nhận quốc tế cũng sẽ tạo điều kiện cho việc sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, lưu thông các sản phẩm thay thế trên thị trường.