Biến đổi khí hậu trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại
- Chỉ trong vòng một tuần, nhiệt độ trung bình của Trái đất đã 3 lần tăng tới mức kỷ lục. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do đâu, thưa ông?
- Dữ liệu không chính thức từ các nhà nghiên cứu Mỹ cho thấy, nhiệt độ trung bình hàng ngày của hành tinh đã tăng lên 17,23 độ C vào ngày 7.7, vượt qua hai kỷ lục nhiệt độ trước đó đã được ghi nhận. Ngày 4.7, nhiệt độ được ghi nhận là 17,18 độ C và ngày 3.7 là 17,01 độ C. Đây là những mốc nhiệt độ cao nhất kể từ năm 1979 trong dữ liệu của Trung tâm dự báo môi trường quốc gia Mỹ. Và nhiệt độ trung bình toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng cho đến cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8.
Có 2 yếu tố dẫn đến biến đổi khí hậu, bao gồm khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là do tự nhiên như sự tái phân bố nhiệt trong đại dương, quỹ đạo Trái đất thay đổi, quá trình kiến tạo núi, thềm lục địa có sự biến đổi, có sự lưu chuyển trong hệ thống khí quyển... Nguyên nhân chủ quan là do con người có sự tác động dẫn tới biến đổi khí hậu. Và đây cũng là nguyên nhân chính gây nên những hiện tượng của biến đổi khí hậu.
Đầu tiên, phải nói đến việc đốt nhiên liệu hóa thạch đang tiếp tục thải ra khoảng 40 tỷ tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính CO2 mỗi năm đã khiến trái đất nóng lên. Quá trình này đã tạo ra điện và nhiệt, trong đó, phần lớn điện được tạo ra từ đốt than, đốt dầu hoặc khí đốt rồi cũng tạo ra lượng carbon dioxide và nitơ oxide. Bên cạnh đó, sự phát triển công nghiệp giúp phát triển kinh tế cũng kéo theo đó là lượng chất thải công nghiệp, khí thải ra môi trường lớn. Điều này đã dẫn tới hiệu ứng nhà kính, khiến cho trái đất ngày một nóng lên.
Cùng với đó, nạn chặt phá rừng nhiều khiến cho việc hấp thụ carbon dioxide của cây xanh cũng hạn chế. Tài nguyên thiên nhiên bị con người khai thác cạn kiệt dẫn đến thay đổi hệ sinh thái, khiến cho một số loài động, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao. Trước nguy cơ này, Thỏa thuận Paris đã được ký kết với những nội dung chính là hạn chế tình trạng nóng lên của trái đất ở mức dưới 2 độ C vào năm 2100 và nỗ lực cho một mục tiêu tham vọng hơn là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp.
- Nhiều nhà khoa học cho rằng, biến đổi khí hậu đang nằm ngoài tầm kiểm soát. Nếu tiếp tục trì hoãn các biện pháp cần thiết, thế giới sẽ bước vào một tình huống thảm khốc. Ông có đồng tình với nhận định này không?
- Sự nóng lên toàn cầu đang tăng nhanh ngoài tầm kiểm soát và các dấu hiệu của điều này đã được quan sát thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Điểm qua một vài sự kiện, có thể khẳng định, cái giá phải trả cho biến đổi khí hậu đang ngày một lớn. Trung Quốc đã phải hứng chịu 4 đợt nắng nóng khác nhau trong tháng qua, trong khi hàng trăm người thiệt mạng ở Ấn Độ do nắng nóng quá mức. Theo số liệu nghiên cứu của Trung tâm Cứu hỏa Liên ngành Quốc gia Mỹ, Bắc Mỹ đã chứng kiến gần 20.000 vụ cháy rừng trong năm nay và điều này đã gây ra chất lượng không khí ngày càng tồi tệ cho gần 100 triệu người, do điều kiện khô hạn trong rừng. Tại Dhaka, Bangladesh, đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất trong 60 năm qua, khi lên tới 40 độ C, dẫn đến cắt điện và đóng cửa trường học. Tại UAE, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần cẩn thận hơn khi nhiệt độ tăng lên tới 50 độ C…
Cần nghiêm túc nhìn nhận, tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ và nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, và thực sự đã trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Không một khu vực nào trên thế giới có thể tránh khỏi những hậu quả tàn khốc của biến đổi khí hậu. Đã đến lúc thế giới phải cùng chung tay hành động, có những bước dịch chuyển mạnh mẽ hơn để đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay; đặc biệt thực hiện đúng cam kết của mình theo thỏa thuận Paris. Đây cũng là giải pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu hay làm chậm quá trình này.
Việt Nam phải đi đầu về ứng phó biến đổi khí hậu
- Vậy biến đổi khí hậu đã gây ra những tác động nào tới Việt Nam, thưa ông?
- Là một quốc gia có đường bờ biển dài và hai vùng đồng bằng thấp, Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia dễ tổn thương nhất trước tình trạng nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Những yếu tố đó sẽ tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp; làm hư hại, giảm năng suất cây trồng. Theo dự thảo đề án “Nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của hợp tác xã nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2021-2025” chỉ rõ, biến đổi khí hậu làm giảm năng suất cây trồng, vật nuôi ở mức trung bình là khoảng 35%. Trong đó, xâm nhập mặn gây giảm năng suất 41,5%; hạn hán làm giảm 35,8%; thời tiết cực đoan là 27,9% và các hiện tượng khác là 28,3%. Biến đổi khí hậu cũng làm tăng chi phí sản xuất trên tất cả các nhóm cây trồng và thủy sản với mức trung bình là khoảng 26%.
Biến đổi khí hậu còn ảnh hưởng tới hoạt động giao thông vận tải, nếu mực nước biển dâng cao 1m sẽ có khoảng 9% hệ thống đường quốc lộ, 12% hệ thống đường tỉnh lộ, 4% hệ thống đường sắt sẽ bị ảnh hưởng, trong đó tập trung nhiều nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long chiếm 28% đường quốc lộ và 27% đường tỉnh lộ của cả nước, tiếp đến là các tỉnh ven biển miền Trung và đống bằng sông Hồng. Về vấn đề phát triển đô thị, các khu công nghiệp và nhà ở; nghiên cứu tổng thể cho thấy khu vực ven biển chịu tác động chính của bão, vùng miền núi chịu tác động của lũ quét, lốc xoáy, sạt lở, vùng trung du và đồng bằng chủ yếu là ngập lụt, lốc xoáy, mưa đá. Biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến du lịch, thương mại, năng lượng…và nhiều hoạt động kinh tế khác theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Tựu chung lại, mỗi ngành nghề, lĩnh vực đều có thể cảm nhận và đánh giá được ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Tại phiên họp thứ 53 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vừa diễn ra, Tổng Thư ký Antonio Guterres nhấn mạnh, những con số mới nhất chứng minh rằng, biến đổi khí hậu đang nằm ngoài tầm kiểm soát. Nếu tiếp tục trì hoãn các biện pháp cần thiết, thế giới sẽ bước vào một tình huống thảm khốc. Biến đổi khí hậu chính là mối hiểm họa đối với nhân loại, có thể khiến tương lai con người chìm trong nghèo đói và đối mặt loạt hệ lụy nghiêm trọng khác.
- Là một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về khí hậu, thiên nhiên và môi trường, ông có đề xuất, giải pháp gì để đối phó với biến đổi khí hậu, cũng như nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường?
- Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã hiểu rất rõ về các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, từ đó đã kịp thời đưa ra các chiến lược, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu như Nghị quyết 24/NQTW 2013, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050. Các cơ quan, địa phương đã và đang triển khai hàng loạt những chủ trương, chính sách và hành động để huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia vào công việc ứng phó và thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, trong thực tế, các ngành và các địa phương chưa thực sự vào cuộc mạnh mẽ. Ngành năng lượng còn nhiều tồn tại như quy hoạch quá nhiều nhà máy nhiệt điện than và chậm trễ khi đưa năng lượng tái tạo vào quy hoạch điện VIII. Ngay trong các quy hoạch địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, thấy rõ nhiều địa phương vẫn còn xem nhẹ những tác động của biến đổi khí hậu và giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu Bên cạnh đó, nhận thức người dân về tác động của biến đổi khí hậu vẫn chưa sâu, chưa rõ, chưa quan tâm đến việc phải thích ứng thế nào.
Đề đối phó với thực trạng này, thì Việt Nam phải trở thành một trong những nước đi đầu thúc đẩy vấn đề biến đổi khí hậu. Các bộ ngành và địa phương cần tích cực tuyên truyền, quan tâm để đưa công việc ứng phó với biến đổi khí hậu vào hoạt động thường xuyên, cũng như vào từng dự án phát triển khoa học xã hội của ngành và địa phương mình. Bên cạnh công tác tuyên truyền về biến đổi khí hậu trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần triển khai ở các cấp cơ sở (quận, huyện,xã); tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo có nội dung về biến đổi và thích ứng với biến đổi khí hậu nhiều hơn nữa để nâng cao nhận thức và kỹ năng của người dân. Lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu vào chương trình giáo dục và đào tạo các cấp cũng là một biện pháp cực kỳ quan trọng.
- Xin cảm ơn ông!