Tham dự phiên họp có: các thành viên Ủy ban Pháp luật; lãnh đạo Bộ Nội vụ; đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang, Bình Phước…
Trình bày Đề án thành lập thị trấn Bình Phú thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, phương án thành lập thị trấn Bình Phú thuộc huyện Cai Lậy trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Bình Phú. Việc thành lập thị trấn Bình Phú trên cơ sở bảo đảm đủ 5 điều kiện quy định tại Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương và đạt đủ 4 tiêu chuẩn của thị trấn quy định tại Điều 9 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25.5.2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Đề án thành lập thị trấn Bình Phú đã được 100% cử tri của xã Bình Phú đã đồng thuận; 100% đại biểu HĐND tỉnh, HĐND huyện Cai Lậy và HĐND xã Bình Phú có mặt biểu quyết tán thành.
Theo Đề án thành lập thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, Chính phủ đề nghị thành lập thị xã Chơn Thành và 5 phường trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và dân số của huyện Chơn Thành, các xã hiện hành. Việc thành lập thị xã Chơn Thành và 5 phường thuộc thị xã này bảo đảm đủ 5 điều kiện được quy định tại khoản 1, Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đề án này nhận được sự đồng tình của đại đa số cử tri tại các địa bàn. Trong đó, các xã, thị trấn dự kiến thành lập phường đều đạt tiêu chuẩn về cân đối thu, chi ngân sách, tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3 năm, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất… theo quy định tại Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Qua nghiên cứu hai Đề án, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với sự cần thiết thành lập thị trấn Bình Phú thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cũng như thành lập thị xã Chơn Thành và 5 phường thuộc thị xã này thuộc tỉnh Bình Phước. Việc thành lập các thị trấn, thị xã này phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn đã được đô thị hóa, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương các cấp.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật để nghị tỉnh Tiền Giang báo cáo, cung cấp thêm thông tin về việc đầu tư, khắc phục những tiêu chuẩn chưa đạt của đô thị Bình Phú từ khi được công nhận là đô thị loại V (năm 2018) đến nay; giải pháp nâng cao chất lượng của đô thị Bình Phú để bảo đảm đáp ứng yêu cầu về xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24.1.2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh đó, cần sớm có phương án, giải pháp để có xử lý các vấn đề khi có phát sinh như: tạo việc làm cho người dân khi bị thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế, tăng cường lực lượng bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật để bảo đảm đời sống của Nhân dân...
Đối với Đề án thành lập thị xã Chơn Thành và 5 phường thuộc thị xã này, Thường trực Ủy ban Pháp luật lưu ý, khu vực dự kiến thành lập thị xã hiện đạt tiêu chí về mật độ dân số khu vực nội đô thị, chưa đạt mức tối thiểu đối với tiêu chí về mật độ dân số toàn đô thị. Đồng thời, do tỷ lệ diện tích đất dự kiến xây dựng đô thị tại Đề án chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng diện tích đất tự nhiên, cũng như so với diện tích đất nông nghiệp, nên Thường trực Ủy ban Pháp luật lo ngại về chất lượng đô thị, nhất là theo yêu cầu về phát triển đô thị và nâng cao chất lượng đô thị đặt ra trong Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật nhất trí thành lập thị trấn Bình Phú (tỉnh Tiền Giang) và thị xã Chơn Thành, các phường thuộc thị xã (tỉnh Bình Phước); đề nghị Chính phủ làm rõ hơn những vấn đề đã được Thường trực Ủy ban Pháp luật đặt ra.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ, UBND tỉnh Bình Phước và Tiền Giang bổ sung thông tin, hoàn thiện báo cáo của Chính phủ, giải trình các vấn đề được thành viên Ủy ban Pháp luật quan tâm. Cụ thể, cần báo cáo về cách thức áp dụng pháp luật trong phân loại đô thị; cách tính tỷ lệ cử tri khi lấy ý kiến, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; diện tích một số phường khá lớn đòi hỏi phải chú ý trong quản lý đô thị về sau này; thực trạng xử lý nước thải tại các địa phương… Đồng thời, cần báo cáo thêm về định hướng quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch; phương án giải quyết các vấn đề bất cập… để bảo đảm khu vực dự kiến chuyển sang đô thị có thể phát triển toàn diện, bền vững, phù hợp với đặc điểm, tính chất đô thị, phát huy được vai trò của đô thị.