Tọa đàm “Thực trạng nguồn nhân lực của Việt Nam và việc sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” vừa được Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội tổ chức, phục vụ giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, giai đoạn 2021 - 2024”. Những thông tin chia sẻ tại tọa đàm đã cung cấp phần nào bức tranh về nguồn nhân lực của Việt Nam.
Mỗi năm thêm khoảng 500 nghìn lao động
Ông Nguyễn Huy Minh - Phó Trưởng ban Thống kê dân số và lao động, Cục Thống kê, cho biết, năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 53 triệu người. Lực lượng lao động ở khu vực thành thị đạt gần 20,4 triệu người, chiếm 38,5% lực lượng lao động của cả nước; lực lượng lao động nữ đạt gần 24,7 triệu người, chiếm 46,6%. “Mỗi năm, khoảng 500 nghìn người được bổ sung vào thị trường lao động”.
Sau 2 năm 2020 - 2021, thị trường lao động sụt giảm mạnh do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, lao động có việc làm giai đoạn 2022 - 2024 đã phục hồi và phát triển đáng ghi nhận, tốc độ tăng lao động có việc làm trong 3 năm lần lượt là 3,12%, 1,35% và 1,14%.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Lâm Văn Đoan phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Nghĩa Đức
Tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm liên tục, từ 48,6% năm 2010 xuống còn 26,5% năm 2024. Năm 2024, tỷ lệ lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 33,4% và khu vực dịch vụ là 40,1%.
Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng ở hầu hết các ngành kinh tế; lao động làm việc trong một số ngành kinh tế ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân khá so với năm 2023. Trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước là 11,5 triệu đồng, tăng 12,5%; ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là 12,8 triệu đồng, tăng 11,1%; khai khoáng là 11,2 triệu đồng, tăng 9,2%...
Trình độ, kỹ năng hạn chế
Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2024 chỉ đạt 28,3%. Tức là, cả nước có khoảng 38 triệu lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên. “Nếu với tốc độ tăng như giai đoạn hiện nay (trung bình tỷ lệ lao động qua đào tạo ở nước ta giai đoạn tăng 2021 - 2024 là 0,9 điểm phần trăm/năm), dự báo năm 2030, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên sẽ đạt 31,7%. Như vậy, theo Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu đến năm 2030 nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 34 - 40% là thách thức không nhỏ”, ông Nguyễn Huy Minh phân tích.
Kỹ năng của lao động Việt Nam cũng chưa bắt kịp các quốc gia phát triển hơn. Lao động có trình độ tay nghề hay chuyên môn cao chỉ chiếm khoảng 11,67%; các kỹ năng mềm còn yếu, trong đó có khả năng ngoại ngữ vốn ngày càng đóng vai trò quan trọng ở hầu hết ngành nghề.
Theo báo cáo chỉ số thông thạo tiếng Anh năm 2024, kỹ năng thành thạo tiếng Anh của Việt Nam ở mức độ thấp, với 498 điểm, xếp hạng thứ 63/116 quốc gia và thứ 4 trong khu vực ASEAN. Tỷ lệ lao động Việt Nam đủ trình độ tiếng Anh để làm việc chỉ chiếm 5% lực lượng lao động, khá thấp so với các quốc gia không nói tiếng Anh trong khu vực như Indonesia (10%), Malaysia (21%), Thái Lan (27%).

Cần có chiến lược đào tạo chuyên môn kỹ thuật bậc cao phù hợp với yêu cầu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Ảnh: VNU
TS. Trịnh Thu Nga, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước và Lao động, dẫn kết quả khảo sát 477 doanh nghiệp của Viện Khoa học lao động và Xã hội, cho thấy mức độ đáp ứng yêu cầu kỹ năng lao động của người lao động trong một số lĩnh vực đặc thù ứng dụng công nghệ 4.0 chưa được như kỳ vọng của doanh nghiệp. Hầu hết người sử dụng lao động cho rằng người lao động mới đáp ứng ở mức trung bình và thấp/rất thấp trong các lĩnh vực phân tích dữ liệu (83,25%); bảo mật dữ liệu/bảo mật truyền thông (86%); ứng dụng phần mềm cộng tác (84,5%); ứng dụng các kỹ năng phi kỹ thuật như tư duy hệ thống và hiểu quy trình (74,1%)..
”Điều này cho thấy còn tồn tại khoảng cách lớn giữa trình độ/kỹ năng của người lao động so với kỳ vọng của người sử dụng lao động”, TS. Trịnh Thu Nga nhận xét.
Đào tạo chuyên môn kỹ thuật bậc cao - yêu cầu cấp thiết
Theo ông Nguyễn Huy Minh, có tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" do lao động qua đào tạo đại học và sau đại học chiếm tỷ lệ lớn và gia tăng nhanh chóng, trong khi nền kinh tế thiếu trầm trọng đội ngũ lao động chuyên môn kỹ thuật có trình độ cao đẳng và trung cấp.
Tuy vậy, ở góc độ khác, GS.TS. Lê Ngọc Hùng, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng, chúng ta “thiếu cả thầy và thợ”. GS.TS. Lê Ngọc Hùng dẫn chứng, giai đoạn 2009 - 2023, tỷ trọng lao động có trình độ Đại học trở lên tăng từ 5,5% lên 12,7%, với tốc độ 0,9%/năm. Nếu duy trì tốc độ này, đến năm 2030, tỷ trọng lao động có trình độ Đại học trở lên cũng chỉ đạt 19%. Trong 10 năm (2009 - 2019), tỷ lệ lao động đang có việc làm trình độ Đại học trở lên mới tăng được 5,6%, đến năm 2029 ước đạt 16,2%.
Còn nếu tính số lượng sinh viên/10.000 dân, năm 2020 mới đạt 195 sinh viên/10.000 dân; dự báo đến năm 2030 đạt 235 sinh viên/10.000 dân, trong khi Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030 đặt ra mục tiêu 260 sinh viên/10.000 dân.
Nhấn mạnh đa số nhân lực chất lượng cao có trình độ cao từ trình độ Đại học trở lên, GS.TS. Lê Ngọc Hùng kiến nghị: “Cần có chính sách khuyến khích sử dụng lao động trình độ Đại học trở lên, đồng thời có chiến lược đào tạo chuyên môn kỹ thuật bậc cao để tăng tỷ lệ lao động trình độ Đại học trở lên cho phù hợp với yêu cầu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.