Tăng thành viên Tổ đại biểu HĐND từ cơ sở
Trong các địa phương Đoàn giám sát đến làm việc, HĐND tỉnh Ninh Thuận để lại nhiều ấn tượng, nhất là những đổi mới trong thực hiện các hoạt động giám sát. Ví dụ, dù mới triển khai hoạt động này tại kỳ họp cuối năm 2016, nhưng HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn, tạo cơ sở để Thường trực HĐND, các ban của HĐND và đại biểu giám sát việc thực hiện lời hứa của lãnh đạo sở, ngành đưa ra trong phiên họp này. Thậm chí, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận Trần Minh Lực khẳng định, tại kỳ họp cuối năm nay, đại biểu HĐND sẽ tiếp nhận, xem xét báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết này của UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan.
![]() Đoàn giám sát của UBTVQH làm việc với Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận |
Ảnh: Phương Thủy |
Ý thức rõ sức ảnh hưởng của giám sát tới hoạt động của các cơ quan, ban, ngành, tại Quy chế hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh đã quy định trong kỳ họp mỗi tháng sẽ tiến hành phiên giải trình về những vấn đề nổi lên trong quá trình quản lý, điều hành các lĩnh vực ở địa phương. Đại diện Ban Dân tộc của HĐND tỉnh cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã yêu cầu nhiều giám đốc sở, ngành thực hiện giải trình. Qua giải trình của các giám đốc sở ngành, ý kiến thảo luận của Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đưa ra kết luận, giao nhiệm vụ, giải pháp, thời gian thực hiện với từng cơ quan hữu quan trong việc thực thi pháp luật chuyên ngành.
Đặc biệt, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh không chỉ thay đổi về cách thức tiến hành. Để nâng cao hiệu quả giám sát, Thường trực HĐND đã chỉ đạo sắp xếp lại thành viên Tổ đại biểu HĐND tỉnh, HĐND huyện. Cụ thể, trong mỗi Tổ đại biểu HĐND đều chú trọng lựa chọn Tổ trưởng, thành viên là lãnh đạo huyện, xã, để tránh việc Tổ đại biểu có nhiều cán bộ công tác tại UBND các cấp, không sát cơ sở, khó có điều kiện tham gia đầy đủ. Với các tổ chức này, theo Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Ninh Thuận Lê Đình Cẩn, hoạt động giám sát của Tổ đại biểu được thực hiện thường xuyên, nhất là trong việc theo dõi, đôn đốc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Tái lập mô hình Tổ đại biểu HĐND xã?
Trong thực hiện công tác giám sát, các ban của HĐND cấp xã vẫn băn khoăn không biết ký, đóng dấu như thế nào. Bởi lẽ, một số đại biểu HĐND không hưởng lương từ ngân sách nhà nước (trưởng thôn, trưởng khu phố), không có tư cách pháp nhân, nên khó có thể ký vào báo cáo giám sát. Mặt khác, các cơ quan chức năng chưa có hướng dẫn về mức hỗ trợ cho chức danh trưởng, phó Ban HĐND xã, cũng như đại biểu HĐND xã. Do chưa có hướng dẫn cho địa phương, nên HĐND tỉnh Ninh Thuận đã căn cứ vào điều kiện địa phương bố trí trợ cấp cho đại biểu HĐND. Song Ninh Thuận là một trong những địa phương nghèo nhất nước nên khó bố trí được nguồn kinh phí này. Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Ninh Thuận Lê Đình Cẩn |
Điều 117 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương chỉ quy định về Tổ đại biểu HĐND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND huyện, không quy định về Tổ đại biểu HĐND xã. Nhưng qua làm việc với HĐND huyện Ninh Phước và HĐND tỉnh Ninh Thuận, Đoàn giám sát của UBTVQH nhận được nhiều ý kiến khác nhau về mô hình Tổ đại biểu HĐND xã.
Tán thành với việc tái lập mô hình này, Thường trực HĐND nhiều xã tham dự buổi làm việc với Đoàn giám sát của UBTVQH lý giải, Thường trực HĐND xã không có nhiều thành viên, khó theo dõi bao quát hoạt động của từng đại biểu HĐND. Ngoài ra, do hoạt động tiếp xúc cử tri được thực hiện theo nhóm đại biểu có cùng địa bàn ứng cử, nên nếu không có Tổ đại biểu HĐND sẽ khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ này. Bởi lý do này, HĐND thị trấn Phước Dân vẫn thành lập Tổ đại biểu HĐND xã, giao trưởng, phó ban các ban của HĐND làm tổ trưởng. “Các Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND thị trấn đều hoạt động tự nguyện, không nhận phụ cấp” - đại diện Thường trực HĐND thị trấn Phước Dân cho biết.
Ghi nhận việc thành lập Tổ đại biểu HĐND sẽ tạo thuận lợi cho một số công việc của HĐND xã, nhưng Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Bùi Đức Thụ băn khoăn, nếu để Tổ đại biểu HĐND cấp xã tiến hành giám sát có gây ra tình trạng quá nhiều cơ quan giám sát không? Trả lời câu hỏi này, ĐBQH Khóa XIV, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Ninh Thuận Đàng Thị Mỹ Hương cho rằng, sẽ ít có khả năng xảy ra sự chồng chéo giữa giám sát của Tổ đại biểu HĐND xã với giám sát của Thường trực HĐND và các Ban HĐND xã. Bởi lẽ, nội dung giám sát của Tổ đại biểu HĐND cấp xã đều có xin ý kiến của Thường trực HĐND trước khi tiến hành, nên sẽ bị “từ chối” ngay từ khi đề xuất, nếu có trùng lặp với nội dung giám sát của Thường trực HĐND, hay các ban của HĐND.
Dù nội dung chuyên đề giám sát “khuôn” trong việc ban hành và hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố, song để nắm rõ tình hình thực tiễn cũng như việc thực hiện các luật mới tại địa phương, cơ sở, Đoàn giám sát của UBTVQH đã có các cuộc làm việc với HĐND huyện, xã. Qua làm việc với HĐND các cấp, Đoàn giám sát của UBTVQH đã ghi nhận nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện các luật mới. Cùng với thuận lợi là cơ bản cũng có một số khó khăn, vướng mắc. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai, nắm bắt trước một số lúng túng có thể có của HĐND các cấp trong triển khai các luật mới, UBTVQH đã chỉ đạo Ban Công tác đại biểu chủ trì xây dựng dự thảo Quy chế hướng dẫn hoạt động của HĐND. Và với các yêu cầu về sửa đổi quy định pháp luật, không thể nhìn nhu cầu trước mắt, mà cần tính toán kỹ cả về thực tế và lý luận để có cơ sở vững chắc cho việc nên sửa đổi, tiếp thu và hoàn thiện.