Tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Tạ Văn Hạ đánh giá cao những lần tiếp thu, báo cáo giải trình của cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, ông Tạ Văn Hạ cũng đặt vấn đề: Dự thảo Luật cần ứng xử như thế nào đối với du lịch, để làm sao đó thực hiện được đúng tinh thần, mục tiêu, quan điểm Nghị Quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, cũng như các quy định triển khai Luật Du lịch. Cụ thể, đối với các dự án phát triển du lịch, vấn đề giao đất, thu hồi đất tại Điều 79 của Dự thảo Luật, ở khoản 21 và khoản 27 cần bổ sung thêm các dự án phát triển du lịch, hướng tới các mục tiêu của Nghị quyết số 08. Ngoài câu chuyện về phát triển kinh tế, các dự án du lịch, giải trí còn tác động đến vấn đề xã hội như, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải tỏa căng thẳng sau những ngày tháng lao động nặng nhọc của người dân, người lao động. Bởi vậy, Dự thảo Luật lần này cần nghiên cứu, bổ sung các cơ chế về quỹ đất nhằm tạo động lực, điều kiện để du lịch Việt Nam “cất cánh”.
“Tôi cho rằng, để đạt mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tất cả các quy định cùng phải hướng đến mục tiêu đó. Trong đó, đất đai là quan trọng nhất, rồi đến thuế và sau này còn nhiều thứ phải bàn nữa. Chính vì vậy, chúng tôi mong rằng lần này sửa Luật Đất đai sẽ tạo được nhiều cơ chế để thúc đẩy du lịch”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ nhận định.
Liên quan đến nội dung này, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ĐBQH (TP. Hà Nội) Hoàng Văn Cường cho rằng: Làm du lịch là đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, nếu để nhà đầu tư tự thỏa thuận với người dân sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, các dự án du lịch tạo nhiều công ăn, việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống người dân trong vùng, có thể xem xét là mang lại lợi ích quốc gia, công cộng.
Chính vì vậy, các dự án du lịch nên thuộc diện phải thu hồi đất. Sau khi Nhà nước hoàn tất thu hồi và bảo đảm quyền lợi cho người dân, Nhà nước sẽ đấu thầu, đấu giá đất nông nghiệp để làm đất thương mại dịch vụ. “Đất nông nghiệp vốn giá trị thấp, sau khi chuyển đổi thành đất thương mại dịch vụ và đấu giá sẽ có giá trị cao hơn rất nhiều. Việc này sẽ giúp điều tiết giá trị địa tô chênh lệch của đất. Ngược lại, nếu không đấu thầu, đấu giá mà để nhà đầu tư và doanh nghiệp tự thỏa thuận với nhau sẽ gây nhiều hệ lụy cho xã hội. "Tất nhiên, việc thu hồi đất này cũng phải có điều kiện và không phải dự án nào muốn là thu hồi. Cụ thể, dự án phải tạo ra giá trị cho kinh tế - xã hội, đúng quy hoạch, được sự đồng thuận của người dân. Và quan trọng nhất để câu chuyện thu hồi đạt hiệu quả thì cần làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư để người dân có cuộc sống tốt hơn"- ông Cường nhấn mạnh.
Dưới góc độ của một chuyên gia, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia kiến nghị, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên xem xét bổ sung cơ chế giao đất, cho thuê đất thông qua thu hồi đất cho các dự án phát triển du lịch, vui chơi, giải trí hoặc dự án nhà ở, khu đô thị kết hợp du lịch, thương mại dịch vụ (thuộc trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 79 dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) có quy mô hoặc tổng mức đầu tư lớn, đặc biệt là những dự án du lịch tại địa bàn khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo…
Theo ông Lực, du lịch có vai trò quan trọng với kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân. Không quy định lĩnh vực du lịch thuộc diện thu hồi đất có thể khiến việc tìm kiếm các nguồn quỹ đất cho dự án quy mô lớn có thể tiếp tục gặp khó khăn, trở thành rào cản phát triển.
Nhiều chuyên gia cũng đồng tình kiến nghị bổ sung loại dự án du lịch, vui chơi, giải trí có quy mô lớn như dự án khu đô thị mới có quy mô trên 300ha... thuộc phạm vi đấu thầu dự án để lựa chọn nhà đầu tư, và có sự can thiệp của Nhà nước trong việc thu hồi đất. Cụ thể như, với các dự án quy mô từ 300ha cần đưa vào diện được Nhà nước thu hồi đất chứ không thể phó mặc nhà đầu tư tự thỏa thuận với người dân.