Hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp
Trong giai đoạn vừa qua, nhu cầu năng lượng của nước ta đã không ngừng tăng trưởng với tốc độ cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Từ năm 2016 - 2020, tổng cung cấp năng lượng sơ cấp trong nước liên tục tăng trưởng, bình quân đạt 8,7%/năm, từ trên 68,8 triệu tấn dầu quy đổi (TOE) năm 2016 lên mức gần 95,8 triệu TOE vào năm 2020. Nước ta cũng đã chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu năng lượng từ năm 2015, với mức độ nhập khẩu tăng khá nhanh với tỷ trọng nhập khẩu tịnh năng lượng trên tổng năng lượng sơ cấp.

Do vậy, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được xác định là một giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Đây cũng là một nội dung được Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm trong quá trình làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh, cũng như lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học.
Vấn đề năng lượng, tiết kiệm điện trong sản xuất kinh doanh và tiêu dùng đã được nước ta quan tâm từ sớm. Đặc biệt, việc ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010, cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo hành lang pháp lý điều chỉnh các hoạt động, hành vi về sử dụng năng lượng trong các lĩnh vực của nền kinh tế. Qua đó, đã tạo được sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong việc nâng cao nhận thức và thực thi các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Thời gian qua, các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được đẩy mạnh thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm và hiệu quả năng lượng (VNEEP) giai đoạn 1 (2006 - 2010) và giai đoạn 2 (2011 - 2015) với sự phối hợp tích cực giữa cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng, doanh nghiệp và toàn xã hội. Nhờ đó, trong giai đoạn 1, tỷ lệ tiết kiệm đạt 3,4% tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng, tương đương với 4,9 triệu tiêu thụ năng lượng; giai đoạn 2 đạt 5,65% tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng, tương đương 11,2 triệu tiêu thụ năng lượng. Tuy nhiên, hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng của nước ta được cho là còn thấp. Hệ số thu hồi dầu khí chưa cao; hệ số thu hồi than sạch tuy có cải thiện nhưng vẫn còn thấp, nhất là trong khai thác hầm lò. Hệ số đàn hồi năng lượng năm 2021 là 1,39, ở mức cao so với nhiều nước trên thế giới. Chỉ số cường độ năng lượng cao cho thấy hiệu quả sử dụng năng lượng ở nước ta còn thấp so với thế giới.
Hiện nay, việc sử dụng năng lượng chưa thực sự quan tâm đến tiết kiệm, hiệu quả. Việc tuân thủ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các văn bản hướng dẫn thi hành còn chưa nghiêm, nhất là các quy định đối với phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng được trang bị, mua sắm đối với cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; thực hiện lộ trình dán nhãn năng lượng; đầu tư và nghiên cứu phát triển, công cụ tài chính hỗ trợ các dự án sản xuất sản phẩm hiệu suất cao.
Quản lý năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng, đặc biệt là cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là nội dung trọng tâm của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tuy nhiên, Luật chỉ quy định một số trách nhiệm bắt buộc đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (hiện cả nước có 3.068 cơ sở). Với các đối tượng sử dụng năng lượng khác, thì chỉ quy định mang tính khuyến khích, chưa bắt buộc. Việc xử lý vi phạm và xử phạt hành chính đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả rất hạn chế.
Mạng lưới các đơn vị kiểm toán năng lượng, tư vấn giải pháp tiết kiệm năng lượng hiện cũng còn thiếu về lực lượng và yếu về chất lượng, nhiều vị trí làm việc kiêm nhiệm, nhiều cán bộ có chuyên môn dịch chuyển vị trí công tác, nhất là trong giai đoạn 2016 - 2019, khi Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bị gián đoạn. Trừ một số địa phương, đô thị lớn, năng lực của các tổ chức tư vấn tại nhiều địa phương còn hạn chế chưa đủ khả năng để độc lập thực hiện các nhiệm vụ tại địa phương.
Tiết kiệm 1% sản lượng điện thương phẩm sẽ mang lại tác động lớn
Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có vai trò quan trọng đối với ngành năng lượng nước ta. Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm, với mức tăng trưởng GDP bình quân từ 6 - 7%/năm thì một năm cần thêm 10 tỷ kwh điện. Nếu tiết kiệm 1% sản lượng điện thương phẩm đã có 2,5 tỷ kWh điện. Từ năm 2023, nếu thực hiện tốt Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025 thì mỗi năm sẽ tiết kiệm được 5 tỷ kWh điện, tương đương với 1 nhà máy nhiệt điện khoảng 1.000 MW. Do vậy, việc sử dụng tiết kiệm điện và hiệu quả sẽ góp phần xây dựng nguồn điện đầu tiên để đáp ứng điện cho phát triển kinh tế và việc này cần quyết tâm thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Đối với các ngành năng lượng khác, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Tạp chí năng lượng Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho biết, nếu đến năm 2030, Việt Nam tiết kiệm khoảng 9% năng lượng thì sẽ giảm bớt được 10 triệu tấn dầu quy đổi, tương đương với 1,5 năng lượng lọc dầu của nhà máy Dung Quất hoặc giảm 40% lượng xăng dầu tiêu thụ... Đối với điện nếu tiết kiệm khoảng 9% thì đến năm 2030 sẽ tiết kiệm được 45 tỷ kWh. Đây là con số rất lớn và khẳng định được mục tiêu, hiệu quả của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Do vậy, bên cạnh các giải pháp cần làm ngay trong giai đoạn 2024 - 2025 để tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn khi triển khai đầu tư các dự án, hạ tầng năng lượng và hoàn thiện cơ chế, chính sách vận hành thị trường năng lượng cạnh tranh, giải quyết dự án thua lỗ…, Đoàn giám sát xác định một số giải pháp trong dài hạn đối với việc phát triển năng lượng, trong đó có thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Trong đó, Đoàn giám sát đề nghị, Chính phủ cần cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả; khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp tiêu thụ ít năng lượng và có hiệu quả về kinh tế - xã hội. Trên cơ sở các quy hoạch đã được phê duyệt, điều chỉnh phân bố các nguồn tiêu thụ năng lượng theo hướng phân tán, hạn chế việc tập trung quá mức vào một số địa phương, kết hợp chặt chẽ với phân bố lại không gian phát triển công nghiệp trên phạm vi cả nước, từng vùng và địa phương; đẩy mạnh thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030. Đoàn giám sát cũng đề nghị, cần có chính sách khuyến khích các hộ tiêu thụ sử dụng năng lượng sạch, tái tạo, nhất là trong công nghiệp và giao thông phù hợp với xu thế chung trên thế giới.