Về mặt pháp lý, Nghị định 147 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng ban hành năm 2024 đã đưa ra các yêu cầu về nghĩa vụ pháp lý với các trang mạng, tài khoản mạng xã hội có lượng người theo dõi lớn. Các nghĩa vụ đó bao gồm chịu trách nhiệm trực tiếp đối với nội dung thông tin đăng tải bao gồm giám sát nội dung thông tin; gỡ bỏ thông tin vi phạm...
Tuy nhiên, nhiều tài khoản, nhiều trang thông tin thực hiện không nghiêm túc những yêu cầu này. Nhiều chủ tài khoản, người sở hữu các trang thông tin vẫn đăng thông tin sai sự thật, thông tin thiếu kiểm chứng gây tổn hại đến lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân liên quan. Việc kiểm tra và xử lý vi phạm với số lượng lớn các tài khoản mạng xã hội đang là thách thức thực thi lớn.
Về mặt pháp lý, quy định pháp luật nước ta đã tiến tới học hỏi cách thức ứng xử của nhiều quốc gia tiên tiến. Tại Đức, các nền tảng mạng xã hội buộc phải gỡ bỏ nội dung vi phạm trong vòng 24 giờ khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng. Singapore cho phép nhà chức trách yêu cầu chỉnh sửa, đính chính công khai đối với thông tin sai lệch. Ở Pháp, các trang mạng xã hội lớn phải công khai danh tính người quản lý nội dung và chịu trách nhiệm pháp lý với từng bài đăng. Những mô hình này cho thấy việc phân loại và áp dụng các nghĩa vụ pháp lý riêng biệt đối với nhóm tài khoản, fanpage có ảnh hưởng lớn khả thi và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trở lại với trường hợp nêu trên, mặc dù sau đó, đơn vị chủ sở hữu tài khoản đăng tin sai sự thật đã có những hành động khắc phục như cải chính, xin lỗi, báo cáo sự việc với các cơ quan chức năng liên quan. Tuy nhiên, trên môi trường mạng, sự cố thông tin một khi xảy ra thường sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng khó lòng khắc phục hết. Do đó, ngăn ngừa để không xảy ra sự cố cũng là rất quan trọng, chứ không chỉ là khắc phục.
Điều cần làm hiện nay là bổ sung chế tài xử phạt nghiêm minh với các hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, bao gồm cả nghĩa vụ cải chính, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại. Thiết lập cơ chế báo cáo định kỳ, phối hợp với cơ quan chức năng để kiểm tra, giám sát nội dung cũng là giải pháp cần tính đến. Cần có nhiều hơn việc khởi kiện công khai các cá nhân vi phạm ra tòa án, tranh tụng và xét xử minh bạch, qua đó giúp giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn cho các chủ thể này. Việc nâng cao hiểu biết pháp lý hoặc bị chế tài mạnh - sẽ là cách thức hữu ích nhất để nâng cao năng lực cũng như trách nhiệm của các chủ tài khoản mạng xã hội; từ đó giảm thiểu được tình trạng sự cố xảy ra mới khắc phục như hiện nay.
Việc kiểm soát trách nhiệm nội dung trên các trang mạng xã hội lớn không chỉ nhằm bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mà còn là bước đi cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân, đồng thời tạo lập môi trường truyền thông lành mạnh, đáng tin cậy. Quyền lực truyền thông, dù đến từ báo chí chính thống hay mạng xã hội, đều cần được gắn với trách nhiệm minh bạch và cơ chế pháp lý rõ ràng. Chỉ khi đó, trật tự thông tin, danh dự công dân và chuẩn mực xã hội trên môi trường số mới được bảo vệ đúng mức.