
Lý giải nguyên nhân khiến giá vàng thế giới tăng mạnh từ đầu năm, kéo theo đà tăng của giá vàng trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ ra 3 nguyên nhân; đầu tiên là do bất ổn địa chính trị và các xung đột quân sự tiếp tục leo thang trên phạm vi toàn cầu. Trong đó, cuộc chiến Nga - Ukraine kéo dài, đi kèm với các biện pháp trừng phạt, trả đũa lẫn nhau giữa Nga và phương Tây; xung đột quân sự giữa Israel và lực lượng Hồi giáo tại Trung Đông là những điểm nóng gây căng thẳng.
Tiếp đó là nhiều ngân hàng Trung ương trên thế giới và các quỹ đầu tư đã đẩy mạnh mua vàng để bổ sung vào dự trữ ngoại hối, từ đó tạo thêm lực cầu lớn trên thị trường kim loại quý. Và cuối cùng là chính sách thuế quan của Mỹ đã khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên “bất an”, thúc đẩy dòng tiền dịch chuyển vào các “kênh trú ẩn” an toàn như vàng.
Cần nhắc lại rằng, năm 2024, thị trường vàng trong nước cũng đã có nhiều biến động, thậm chí từ đó làm lộ ra những bất cập trong quản lý và điều hành thị trường vàng. Để khắc phục tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều biện pháp như đấu thầu vàng miếng; bán vàng qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước… Các giải pháp này đã kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới giảm đáng kể, từ 20 triệu xuống còn khoảng 4 - 5 triệu đồng/lượng.
Và sang năm nay, trước những biến động khó lường, bất thường của thị trường vàng, ngày ngày 18.4, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc; theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan theo dõi sát tình hình và diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng trong nước và quốc tế để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để ổn định thị trường vàng.
Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, không để xảy ra việc trục lợi, thao túng, làm giá, đầu cơ... trên thị trường vàng theo đúng ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại Văn bản số 1483/VPCP-KTTH ngày 4.4.2025. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chủ động thực hiện ngay các biện pháp thông tin truyền thông để ổn định tâm lý xã hội.
Trước diễn biến của thị trường vàng hiện nay, những biện pháp này là cần thiết. Tuy nhiên, một chuyên gia cho rằng, không thể chỉ dựa vào mệnh lệnh hành chính, dù có thể giúp giá vàng tạm thời hạ nhiệt. Hành chính chỉ là biện pháp mang tính cấp bách nhất thời; vấn đề quan trọng là bài toán cung - cầu cần được giải quyết.
Để thực hiện được điều này, cần cho phép các doanh nghiệp kinh doanh vàng được nhập khẩu vàng. Ngoài ra, cần sửa đổi Nghị định 24 theo hướng cho phép các doanh nghiệp có uy tín và năng lực tài chính nhập khẩu và kinh doanh vàng theo các chỉ tiêu, định hướng của Ngân hàng Nhà nước.
Ý kiến khác cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc ổn định thị trường vàng rất khó khăn, bởi nguyên tắc muốn ổn định cần có nguồn cung. Giải pháp trước mắt chỉ có thể sử dụng các biện pháp hành chính để điều tiết thị trường, từ đó giảm chênh lệch giá với thị trường thế giới xuống mức thấp nhất, đồng thời hạn chế xu hướng đầu tư, tích trữ vàng.
Về lâu dài, giải pháp quan trọng và bền lâu nhất là cơ quan quản lý cần sớm cân nhắc bỏ độc quyền nhập khẩu vàng. Nếu tăng nguồn cung, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, giá vàng trong nước có thể sẽ giảm. Bên cạnh đó, cần xem xét việc hình thành sàn giao dịch vàng chính thức giúp liên thông giá vàng trong nước và quốc tế, tạo điều kiện để vàng có thể giao dịch minh bạch, hợp pháp.