Cửu đỉnh gồm 9 chiếc đỉnh đồng được vua Minh Mạng cho đúc năm 1835. Điều đặc biệt và độc đáo nhất chính là mỗi đỉnh được đúc nổi hoàn thiện 17 hình ảnh bao gồm các loại hình như thiên tượng, linh vật, lãnh hải, sông núi, cầm thú, côn trùng, thảo mộc, kiến trúc, xe kiệu, thuyền bè vũ khí và hai chữ Hán mang tên đỉnh. Tất cả các bức chạm khắc đúc đồng này dường như đã khái quát thành “bách khoa toàn thư” về quốc gia Đại Nam giàu có và cường thịnh dưới thời Minh Mạng.
Cửu đỉnh được xem là biểu tượng cho sức mạnh của triều đình nhà Nguyễn và là đỉnh cao của văn vật Đại Nam. Sau khi đúc xong vào tháng Giêng năm Đinh Dậu (1837), 9 đỉnh được sắp thành một hàng ngang dưới thềm Hiển Lâm Các, nằm theo thứ tự đối diện với các án thờ trong Thế Miếu. Năm 2012, Cửu đỉnh đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Từ năm 2022, với mong muốn tôn vinh và phát huy giá trị di sản nghệ thuật của tiền nhân, nhóm giảng viên, họa sĩ Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã nghiên cứu, lập dự án thực hiện bộ tranh khắc gỗ về đất nước Việt Nam trên Cửu đỉnh.
PGS.TS. Trang Thanh Hiền, trưởng nhóm dự án cho biết, việc chuyển thể từ các bức tranh đúc đồng sang tranh khắc gỗ là một quá trình khá vất vả, bởi lẽ ngôn ngữ biểu đạt của mỗi chất liệu khác nhau. Nếu các bức đúc đồng, ngôn ngữ khối nổi là ngôn ngữ chính, thì với tranh khắc gỗ, ngôn ngữ nét lại là chính.
“Bởi vậy trong quá trình thực hiện các bản khắc, chúng tôi luôn phải tư duy xem nét và mảng nên xử lý như thế nào cho hợp lý để một bức khắc vừa phản ánh được trung thực hình ảnh của di sản về đất nước Việt Nam, nhưng đồng thời phải đưa vào đó những giá trị biểu đạt mới của nghệ thuật khắc gỗ, để tạo nên những bức tranh sống động”, PGS.TS. Trang Thanh Hiền giải thích.
Hơn 50 tác phẩm tranh khắc gỗ lấy cảm hứng từ hình mẫu 153 bức đúc đồng trên Cửu đỉnh sẽ được nhóm tác giả giới thiệu tại Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, 15 Lê Lợi, TP. Huế, trong triển lãm “Tranh khắc gỗ Đất nước Việt Nam trên Cửu đỉnh triều Nguyễn”, diễn ra từ ngày 19 - 25.3.
Các bức tranh khắc gỗ này không chỉ là sự chuyển thể cơ học từ các tác phẩm đúc đồng trên Cửu đỉnh, mà còn hướng tới sự tìm tòi về hình thức biểu đạt mới trong cái nhìn “đối thoại thẩm mỹ” giữa cái cũ ổn định và cái mới tiếp biến, giữa quá khứ và hiện tại. Hình thức này vừa dựa trên ngôn ngữ nghệ thuật khắc gỗ dân gian (như lối cắt mảng, tạo nét), kết hợp với ngôn ngữ của nghệ thuật khắc gỗ hiện đại (như cách tạo không gian bằng chính những nét khắc, tạo mache) để tạo nên sự rung cảm khác biệt ở mỗi bức tranh khắc gỗ.
Theo PGS.TS. Trang Thanh Hiền, “những tác phẩm tiếp nối mạch nguồn từ Cửu đỉnh cho thấy một cách nhìn khác với di sản. Thay vì xem Cửu đỉnh là di sản văn hóa gắn với một thời đại đã qua, thông qua nghệ thuật tranh khắc gỗ, những người thực hiện dự án mong muốn tiếp thị Cửu đỉnh bằng hình thức mới. Với triển lãm này cùng những định hướng phát triển của dự án thời gian tới, nhóm tác giả hy vọng sẽ góp một phần nhỏ để đồng hành với tiến trình đưa Cửu đỉnh trở thành Di sản tư liệu thế giới”.
Nhóm giảng viên, họa sĩ tham gia dự án gồm: PGS.TS. Trang Thanh Hiền; các họa sĩ: Trần Mỹ Anh, Vũ Phương Anh, Nguyễn Thị Thu Nga, Phạm Thị Ngọc Linh và Trần Quốc Đức. Trong ngày khai mạc triển lãm có phần giới thiệu bộ tranh khắc "Đất nước Việt Nam trên Cửu đỉnh triều Nguyễn" và hoạt động trải nghiệm in tranh.