Tâm huyết trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản
Gần 14 năm ca trù được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, tại Hà Nội, một trong những cái nôi lớn của di sản văn hóa cả nước, theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trên địa bàn thành phố có khoảng 16 nhóm, câu lạc bộ ca trù đang hoạt động. Các câu lạc bộ này về cơ bản vẫn đang duy trì hoạt động, thực hành di sản đều đặn thường xuyên theo lịch cố định, tiếp tục tổ chức các lớp truyền dạy đàn hát ca trù, các làn điệu thể cách được thực hành với số lượng nhiều hơn và khó hơn. Thành viên các câu lạc bộ đã tích cực tham gia các cuộc thi, liên hoan giao lưu hơn nhằm rèn luyện, nâng cao chuyên môn.
Cũng như các giai đoạn trước, nắm giữ di sản ca trù vẫn là những người có đam mê lớn với loại hình nghệ thuật này. Ý thức được vai trò, vị trí của mình, bằng những nỗ lực không ngừng, các nghệ nhân nắm giữ di sản ca trù ngày càng tâm huyết trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. Họ đều là những hạt nhân quan trọng trong các câu lạc bộ ca trù, tích cực truyền dạy ca trù cho thế hệ trẻ, góp phần đưa ca trù ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp.
Thực tế, Hà Nội là địa phương có số lượng nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nhiều nhất cả nước, trong đó có nghệ thuật trình diễn ca trù. Số lượng nghệ nhân ca trù qua 3 lần phong tặng năm 2015, 2019, 2022 là 32 người (8 Nghệ nhân nhân dân và 24 Nghệ nhân ưu tú). Họ là những người chủ nhiệm, thành viên của các câu lạc bộ yêu ca trù và mong mỏi gìn giữ nghệ thuật quý báu của dân tộc.
Bên cạnh việc học nghề, ca nương, kép đàn ngày nay còn xây dựng chương trình và liên hệ, tổ chức, tạo ra không gian diễn xướng ca trù để trình diễn, giới thiệu, quảng bá… Một số cá nhân đại diện cộng đồng nắm giữ ca trù thành phố Hà Nội có nhiều đóng góp tích cực, trách nhiệm đặc biệt đối với di sản này như: NSƯT Bạch Vân - Chủ nhiệm câu lạc bộ ca trù Hà Nội; NSƯT Nguyễn Văn Khuê - Chủ nhiệm câu lạc bộ ca trù Thái Hà; NNƯT PhạmThị Huệ - Chủ nhiệm câu lạc bộ ca trù Thăng Long…
Bên cạnh đó, qua các kỳ Hà Nội tổ chức liên hoan ca trù, các thí sinh tuy còn ít tuổi nhưng đã nắm được một số thể cách ca trù cơ bản, một bộ phận khác còn thực hành khá nhuần nhuyễn các thể cách khó, kinh điển.
Tạo điều kiện sinh hoạt, thực hành, truyền dạy di sản
Những năm qua, thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ ca trù, nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của di sản. Số lượng người nghe, người tìm hiểu về ca trù tăng lên so với giai đoạn trước. Các tìm kiếm trên mạng xã hội liên quan đến ca trù tăng, đã có thêm đối tượng khán giả trẻ, khán giả trung và cao tuổi tìm hiểu và nghe ca trù trên các kênh thông tin đại chúng, các sự kiện văn hóa của thành phố và địa phương...
Ngoài một số điểm biểu diễn thường xuyên của các câu lạc bộ ca trù thành phố Hà Nội, trong cộng đồng đã xuất hiện thêm một số điểm trình diễn định kỳ hoặc theo sự kiện. Ví dụ như điểm biểu diễn trong cộng đồng tại Cao Sơn trà quán ở ngõ Thổ Quan trong năm 2019 và 2020 đã thực hiện được 20 đêm ả đào với nhiều chủ đề khác nhau, thu hút đông đảo khán giả quan tâm, thưởng thức, trở thành một địa chỉ văn hóa đặc sắc; hay Đêm Ả đào tại Bụt trà quán - Tòa S201 Vinhome Ocean Park - Gia Lâm, trong Lễ hội hoa xuân tại khuôn viên VinUni, Vinhomes Ocean Park, Gia Lâm...
Qua các kỳ liên hoan cho thấy, đã có những tài năng trẻ ca trù được đánh giá cao. Điều này chứng minh nỗ lực trẻ hóa đội ngũ thực hành ca trù trên địa bàn Thành phố. Các quận, huyện có các câu lạc bộ ca trù đều tạo điều kiện hỗ trợ địa điểm sinh hoạt và biểu diễn trong các sự kiện văn hóa tại địa phương.
Nghệ thuật ca trù tiếp tục được đưa vào đời sống cộng đồng, quảng bá qua việc trình diễn, giới thiệu tại các điểm di tích trong khu phố cổ, đưa vào nội dung biểu diễn tại các chương trình sự kiện văn hóa của Thành phố, các dịp kỷ niệm Ngày di sản văn hóa Việt Nam…
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, những năm tới, thành phố tiếp tục đề xuất các chính sách, chế độ đãi ngộ và tôn vinh các nghệ nhân hàng năm; tạo điều kiện về môi trường sinh hoạt: địa điểm biểu diễn, sinh hoạt, thực hành di sản, truyền dạy thường xuyên, không gian tại các di tích, lễ hội; tư liệu hóa tài liệu truyền dạy, tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí hoạt động trình diễn và truyền dạy, tuyên truyền giá trị di sản trong cộng đồng...