Cà Mau: Thêm 2 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận

Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch đã ban hành quyết định đưa Nghề làm tôm khô và Lễ hội vía Bà Thuỷ Long tại tỉnh Cà Mau vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. 

Cà Mau: Được công nhận thêm 2 Di sản văn hóa phi vật thể -0
Tôm khô là một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Cà Mau

Tôm khô là một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Cà Mau, được giới sành ẩm thực trong và ngoài nước biết đến. Theo người dân Cà Mau, nghề làm tôm khô được bà con phát triển từ thời khẩn hoang. Tôm khai thác làm khô chủ yếu là những loại tôm đất, tôm bạc sống trong môi trường sông tự nhiên hoặc tôm chì, tôm sắt được khai thác từ biển. Nghề làm tôm khô ở Cà Mau đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương và cung cấp ra thị trường hàng chục tấn tôm khô mỗi năm. Sản phẩm tôm khô Cà Mau cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể năm 2011.

Cà Mau: Được công nhận thêm 2 Di sản văn hóa phi vật thể -0
Người Cà Mau luôn nâng niu đặc sản tôm nổi tiếng trong và ngoài nước

Trước đây, tôm khô ở Cà Mau được làm theo phương thức thủ công, người ta chọn những con tôm tươi nhất đem luộc với nước vừa mặn, phơi nắng, sau đó đập vỏ, phân cỡ. Hiện nay nhiều cơ sở sản xuất quy mô lớn đã đưa công nghệ chế biến vào sản xuất tôm khô để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng, độ ngọt của tôm, giảm chi phí.

Cùng với nghề làm tôm khô, Lễ hội vía Bà Thủy Long (Thủy Long cung thần nữ)  tại ấp Thanh Tùng, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi cũng được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể lần này. Hàng năm cứ vào ngày 15-17.2 âm lịch, người dân địa phương đã long trọng tổ chức Lễ hội vía Bà Thủy Long kết hợp với các hoạt động văn hoá, văn nghệ vui chơi giải trí, thu hút hàng ngàn khách thập phương đến cúng bà và tham gia lễ hội.

Cà Mau: Được công nhận thêm 2 Di sản văn hóa phi vật thể -0
Lễ hội vía Bà Thủy Long. Ảnh: ITN

Theo hồ sơ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, tục thờ bà Thủy Long được du nhập từ miền Bắc theo tín ngưỡng thờ mẫu. Vào khoảng năm 1820, khi những người dân lưu lạc đến đây, định cư ở ngã ba sông sinh kế làm ăn thì ngôi miếu được xây cất đơn sơ để thờ bà Thủy Long, hai tiền nhân có công lớn trong việc dựng làng, lập miếu là ông Tô Minh Chánh và Nguyễn Văn Lành. Từ hai nhánh họ Tô, Nguyễn, trải qua hơn 200 năm, đến nay vùng đất này đã phát triển hơn 60 nhánh họ, tất cả đã cùng nhau duy trì việc thờ cúng Bà Thủy Long và việc thờ cúng đã trở thành tín ngưỡng dân gian của cư dân vùng sông nước Thanh Tùng.

Cà Mau: Được công nhận thêm 2 Di sản văn hóa phi vật thể -0
Lễ cúng lệ hàng năm được tổ chức với các nghi thức cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an

 Lễ cúng hàng năm được tổ chức với các nghi thức lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an… và cũng là dịp kết nối cộng đồng với các hoạt động như giao lưu văn nghệ, tham gia trò chơi dân gian, múa bóng rỗi, ca hát cải lương…

Như vậy, tính chung đến nay tỉnh có 7 di sản được Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia.  5 di sản được công nhận trước đó gồm: Nghệ thuật Đờn ca tài tử (di sản chung với các tỉnh Nam Bộ, được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại); Nghề thủ công truyền thống "Gác kèo ong"; Nghề thủ công truyền thống "Muối ba khía"; Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc; Nghệ thuật Nhạc Trống lớn của người Khmer

Văn hóa

Poster phim "Đào, phở và piano"
Văn hóa

Bài cuối: Lãng mạn nhưng kiên cường

26 năm sau "Hà Nội mùa đông 46", năm 2023, đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn thực hiện bộ phim "Đào, phở và piano" từ sự thôi thúc bên trong, từ những câu chuyện kể của thế hệ cha anh đi trước mà ông được lắng nghe, và từ chính những ký ức tuổi thơ của đạo diễn về Hà Nội.