Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, ngày 1.10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo “Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình”.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và đòi hỏi khách quan của sự phát triển trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội cho các quốc gia bứt phá vươn lên. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đang được Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm.
Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, thời gian qua, việc triển khai công tác chuyển đổi số tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được quan tâm và đạt kết quả tích cực. Cho tới nay, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã bước đầu hình thành số hóa, chuẩn hóa dữ liệu hiện có của một số lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch nhằm từng bước hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành như số hóa dữ liệu và cập nhật thông tin di sản văn hóa tại các phần mềm Hệ thống thông tin quản lý được triển khai trên phạm vi toàn quốc; số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam.
Cơ sở dữ liệu về lĩnh vực du lịch và các hệ thống thông tin cốt lõi tạo nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới xây dựng, quản lý Chính phủ số đối với lĩnh vực du lịch. Số hóa, chuyển đổi, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Bộ.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể và so sánh với các mục tiêu, yêu cầu đề ra, kết quả đạt được chưa đồng đều. Các cơ sở dữ liệu còn thiếu đồng bộ và chưa được khai thác một cách tối ưu. Vấn đề bảo mật thông tin và quyền riêng tư cũng đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi có cách tiếp cận toàn diện, khoa học và thận trọng.
Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến phát triển cơ sở dữ liệu ngành văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình.
Cho rằng dữ liệu là tài nguyên quan trọng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nhấn mạnh, việc phát triển cơ sở dữ liệu ngành văn hóa, thể thao và du lịch phải có sự kết nối, liên thông, đưa lên môi trường mạng để có dữ liệu sống, tăng cường mở dữ liệu cho xã hội tiếp cận. Bên cạnh đó, xây dựng dữ liệu phải gắn với định hướng khai thác, sử dụng để dữ liệu có giá trị; thúc đẩy chia sẻ để tránh một dữ liệu nhưng nhiều cơ quan cùng thu thập…
Tại hội thảo, các ý kiến cũng cho rằng, việc xây dựng cơ sở dữ liệu cần chú trọng gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, cơ quan chuyên trách về chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, một trong những ưu tiên hàng đầu thời gian tới là tập trung hoàn thiện các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng để bảo vệ cơ sở dữ liệu ngành.
Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung nâng cấp hệ thống hạ tầng an toàn thông tin và công tác đảm bảo an toàn thông tin trong các dự án, kế hoạch như: Kế hoạch duy trì vận hành môi trường đáp ứng kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Đề án 06) - năm 2024 và tới năm 2025, dự kiến sẽ hoàn thành 2 dự án: “Dự án nền tảng tích hợp, xử lý dữ liệu trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch” và Dự án xây dựng nền tảng, cơ sở dữ liệu quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa...