Trưng bày “Bàng ơi…!” là những hình ảnh, câu chuyện về những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò, bàng nơi đảo xa và bàng trong thơ ca, hội họa… giúp chúng ta thêm hiểu và yêu loài cây bình dị, dù sinh trưởng trong điều kiện khắc nghiệt, vẫn mạnh mẽ vươn lên, tỏa bóng mát.
Trưng bày cũng là lời tri ân, tưởng nhớ công lao, sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ yêu nước, cách mạng bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Sau khi thoát khỏi chốn “địa ngục trần gian”, nhiều chiến sĩ đã tham gia vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cống hiến cho công cuộc giải phóng Thủ đô thân yêu.
Trưng bày được chia làm 2 phần, với “Những cây bàng tại Hỏa Lò” là hình ảnh, câu chuyện về “Cây bàng hiệp sĩ” - “người bạn” gần gũi, thân thương, đồng hành và gắn bó mật thiết với đời sống của tù chính trị; âm thầm giúp người tù vượt lên những khắc nghiệt chốn địa ngục trần gian.
Gốc bàng là nơi đặt hòm thư mật của tù nhân. Gốc cây bàng ở sân trại nữ còn là “sân bay” của những chuyến hàng (đồ tiếp tế, bánh, kẹo, thuốc lào…) từ bên ngoài đáp vào. Tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi được ra sân, ngồi trao đổi, trò chuyện quanh gốc bàng, tù chính trị đã bàn bạc việc thành lập Chi bộ, hình thành các tổ chức quần chúng, đề ra các phương án, kế hoạch đấu tranh trong Nhà tù Hỏa Lò.
Đồng chí Tạ Quốc Bảo, tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò tháng 2.1944 - 8.1945 chia sẻ: Năm Giáp Thân (1944) sắp qua, tù nhân chuẩn bị đón mừng Tết sắp tới… Ban khánh tiết nhà tù được thành lập. Rồi tù nhân nam đóng giả gái, quần áo được chắp vá từ quần áo cũ. Anh em đóng vai nữ cạo sạch lông mày rồi vẽ uốn một nét nhỏ viền lên. Môi, má được bôi phẩm hồng, đầu tóc được cuốn vành, chít khăn. Bọn cai ngục cho ra sân, các diễn viên “phái yếu” mềm mại, múa hát quanh gốc bàng. Gốc bàng Hỏa Lò này đã từng cho búp non để tù nhân chữa các bệnh đường ruột, mang lại bóng mát để tù nhân múa hát mừng xuân năm 1945...
Ở nội dung “Bàng ơi…!” phản ánh câu chuyện về màn tra tấn man rợ đối với người tù dưới gốc bàng. Cũng tại nơi đây, nhiều cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của tù nhân chống lại chế độ giam cầm hà khắc đã diễn ra. Rồi những hốc cây là “hòm thư” bí mật, nơi tù chính trị cất giấu tài liệu, truyền đơn và báo tin cho nhau bằng ám hiệu riêng. Lá bàng, quả bàng và cả vỏ cây là nguồn thực phẩm, vị thuốc quý giá cứu sống tù nhân, để tiếp tục đấu tranh và nuôi hy vọng.
Cùng với những cây bàng Côn Đảo, cây bàng vuông cũng góp phần tạo nên vẻ đẹp, giá trị riêng có của bàng nơi biển xa. Bàng vuông còn được gọi là bàng bí, chiếc bàng, cây thuốc cá, là loài cây đặc hữu của vùng biển đảo. Ở nước ta, bàng vuông có ở các đảo: Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quốc, Thổ Chu, trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… Vì vậy, cây bàng vuông còn được gọi là cây bàng biển hay cây bàng Trường Sa.
Trưng bày còn giới thiệu những sự thật thú vị về bàng, như: mầm bàng xoắn ốc, công dụng chữa bệnh của bàng, cây bàng có tuổi thọ lớn nhất tại Việt Nam (năm 2020)… Tất cả, tạo nên một không gian trải nghiệm về sự sống động của Bàng.
Trong trưng bày còn có không gian mô tả cây bàng 3D, nơi giới thiệu các sản phẩm lưu niệm về bàng tại Hỏa Lò, tạo nên một điểm nhấn thu hút du khách.