KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10.10.1954 - 10.10.2024)
Hà Nội hào hoa và anh dũng trong điện ảnh
Bài cuối:
Lãng mạn nhưng kiên cường
26 năm sau "Hà Nội mùa đông 46", năm 2023, đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn thực hiện bộ phim "Đào, phở và piano" từ sự thôi thúc bên trong, từ những câu chuyện kể của thế hệ cha anh đi trước mà ông được lắng nghe, và từ chính những ký ức tuổi thơ của đạo diễn về Hà Nội.
"Khi còn bé, tôi đi học ở Cung Thiếu nhi Hà Nội, hồi đó gọi là Ấu trĩ viên. Ngày nào tôi cũng đi bộ qua di tích Bắc Bộ phủ. Khi nhìn vào trong, tôi thấy vẫn còn ở đó những vết đạn bắn lõm trên hàng rào sắt, và cứ thế, cùng những câu hỏi được đặt ra, những ấn tượng ngày ấy vẫn đọng lại trong tâm trí tôi. Với tôi, những vết đạn đó chính là lịch sử của Hà Nội và nó ám ảnh tôi mãi", đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn chia sẻ.
Nếu Hà Nội mùa đông 46 miêu tả không khí căng thẳng của Hà Nội trước ngày toàn quốc kháng chiến, thì Đào, phở và piano là những những giây phút cuối cùng sau hơn 60 ngày đêm trong vòng vây quân thù của Trung đoàn Thủ đô, trước khi vượt sông Hồng an toàn, rút quân lên Chiến khu Việt Bắc, bảo toàn lực lượng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ.
Đào, phở và piano đã đưa vào nhiều hình ảnh khắc họa lối sống, nét văn hóa của người dân Hà Nội, hiểu rộng hơn là người dân Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh gian khổ, nhiều hy sinh, mất mát. Chiến luỹ với những hoành phi, câu đối trong lòng phố cổ được dựng lên bằng lòng dân. Những lá cờ Tổ quốc được người họa sĩ già vẽ bằng máu và nước mắt để ôm lấy những chiến sĩ cảm tử đã hy sinh. Lời bài hát Hồn tử sĩ của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước vang lên bi hùng: Chiến đấu dâng tấm thân cho nước nhà, cho giống nòi, nhìn gương xưa liệt sĩ nêu cao lòng sôi lên cương quyết noi theo...
Nhưng Hà Nội vẫn chiến đấu, chiến luỹ vẫn phải có hoa đào, có phở, tiếng đàn piano vẫn vang lên trong ngôi nhà cổ đã vỡ nát vì đạn pháo quân thù, và trên hết là tình yêu giữa những con người anh dũng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, không phân biệt tầng lớp, giai cấp, tôn giáo. Một đám cưới của người con gái Hà Thành với chàng chiến sĩ cảm tử vẫn phải có nến, có hoa, có lễ nghi trang trọng bên luỹ hoa. Hình ảnh hồi tưởng về ngày Tết thanh bình khi Cô gái đánh đàn piano bản nhạc Liebestraumno.3 (Love dream/Giấc mơ tình yêu) của nhạc sĩ Franz Liszt đem lại cho khán giả cảm xúc về một Hà Nội mộng mơ nhưng kiên cường trong đạn lửa chiến tranh.
"Đào, phở và piano" do Công ty Cổ phần Phim truyện I sản xuất năm 2023. Bộ phim giành Bông Sen Bạc cho phim truyện điện ảnh Giải thưởng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XIII năm 2023; Giải thưởng Cánh Diều Bạc dành cho phim truyện điện ảnh của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2023. Phim đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn đại diện Việt Nam tham dự vòng sơ tuyển giải Oscar lần thứ 97 (2024 - 2025), hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài.
Bộ phim cũng mang lại xúc động nghẹn ngào cho người xem bởi những dòng generic cuối phim, khi các nhân vật trong phim không có tên. Những con người Hà Nội hào hoa, anh dũng đó chỉ là Cô gái, Chàng trai, Ông họa sĩ, Cha đạo, Ông hàng phở, Bà hàng phở, Me-xừ Phán, Ả đào, Chú bé đánh giày… Những nhân vật đã được thể hiện thật lắng đọng bởi dàn diễn viên tài năng thuộc nhiều thế hệ: NSND Trần Lực, NSND Trung Hiếu, NSƯT Nguyệt Hằng, nghệ sĩ Anh Tuấn, Doãn Quốc Đam, cô sinh viên chuyên ngành Digital Marketing Cao Thùy Linh lần đầu tiên đóng phim, cậu bé Thiện Hùng... Họ tự hào khi cùng nhau tái hiện những nhân vật như đại diện của các tầng lớp nhân dân Hà Nội lúc bấy giờ.
Tà áo dài lụa trắng của ngày cưới đã bay lên trong khoảnh khắc nhân vật Cô gái ôm bom ba càng lao vào xe tăng của quân thù. Sự tương phản khắc nghiệt trong giây phút hy sinh anh dũng với màu lụa trắng tinh khôi, gương mặt thanh khiết của cô đối lập với súng đạn, sắt thép, vũ khí tối tân của quân giặc bủa vây đã làm bùng nổ cảm xúc của người xem…
Thủ đô Hà Nội với chiều dài lịch sử hàng nghìn năm là chất liệu vô giá đặc biệt đã tạo cảm hứng cho rất nhiều loại hình nghệ thuật, trong đó có điện ảnh. Cả hai bộ phim, "Hà Nội mùa đông 46" và "Đào, phở và piano", đều được các đạo diễn tự viết kịch bản, cùng tái hiện thành công một giai đoạn lịch sử của Hà Nội, đầy dư âm với nhiều kỷ niệm. Nhưng đọng lại trên hết là một Hà Nội năm 1946 với những biến động lịch sử lớn lao hiện lên đẹp đẽ qua từng góc phố, căn nhà; những nét văn hóa đặc sắc của đất kinh kỳ xưa với những con người đại diện cho tinh hoa của Thăng Long ngàn năm văn hiến - Thủ đô kháng chiến quật cường, anh dũng.
Trong khoảnh khắc cuối phim "Hà Nội mùa đông 46", trên nền hình ảnh đoàn người đi lên chiến khu đứng nhìn về phía Hà Nội đang đỏ lửa, đã vang lên những lời: "Cuộc chiến đấu của những người con quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh giữa lòng Hà Nội kéo dài 63 ngày đêm. Và những người ra đi ngày ấy 9 năm sau đã trở về như lời hẹn ước. Kể từ ngày đó, nhân dân Việt Nam, hết thế hệ này đến thế hệ khác, đã chiến đấu suốt 30 năm trời để giữ vững nền độc lập dân tộc và thống nhất đất nước".