Đại diện Tổng cục Môi trường cho biết hiện Việt Nam đã được công nhận 9 khu Ramsar và thành lập nhiều khu đất ngập nước có giá trị đa dạng sinh học cao. Tuy nhiên, việc quản lý các khu Ramsar còn gặp khó khăn, bất cập, chưa đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời các mục tiêu, kế hoạch chiến lược của Công ước Ramsar về bảo tồn và sử dụng khôn khéo đất ngập nước…
Vì thế, để giải quyết những bất cập hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất thành lập mạng lưới các khu Ramsar và khu bảo tồn đất ngập nước của Việt Nam.
Thông tin thêm tại cuộc họp trực tuyến về việc thành lập và tổ chức hoạt động của mạng lưới các khu Ramsar Việt Nam, diễn ra ngày 24/2, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết từ năm 1989, Việt Nam đã tham gia Công ước Ramsar, là nước thứ 2/50 nước trên thế giới và quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á tham gia Công ước này.
Thực hiện cam kết của quốc gia thành viên Công ước Ramsar, Việt Nam đã thúc đẩy việc đề cử các khu Ramsar và triển khai thành công nhiều hoạt động về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.
Theo đại diện Tổng cục Môi trường, việc quản lý các khu Ramsar ở Việt Nam vẫn còn gặp khó khăn, bất cập. Các khu Ramsar chưa đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời các mục tiêu, kế hoạch chiến lược của Công ước Ramsar về bảo tồn và sử dụng khôn khéo đất ngập nước, trong đó nhiều khu Ramsar hạn chế về năng lực quản lý đất ngập nước, dẫn tới có nguy cơ suy giảm giá trị đa dạng sinh học của khu Ramsar.
Nguyên nhân là các khu Ramsar nằm trong hệ thống các khu bảo tồn thuộc hệ thống rừng đặc dụng nên chưa được quản lý theo đúng bản chất của vùng đất ngập nước.
Đơn cử như Vườn Quốc gia Tràm Chim được quản lý theo rừng đặc dụng nên kiểm soát cháy rừng bằng cách giữ nước. Cách quản lý này ít nhiều đã làm suy giảm giá trị đa dạng sinh học của khu Ramsar; đáng chú ấy nhất là số lượng cá thể Sếu đầu đỏ giảm từ hàng trăm con đến năm 2019 quan sát chỉ còn thấy 11 cá thể.
Bên cạnh đó, các khu Ramsar hiện nay chưa có sự kết nối, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong nước và quốc tế một cách kịp thời về quản lý đất ngập nước cũng như bảo tồn, sử dụng khôn khéo đất ngập nước…
Qua thực tế trên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng thành lập mạng lưới các khu Ramsar và khu bảo tồn đất ngập nước Việt Nam là việc làm rất cần thiết, nhằm góp phần thúc đẩy thực hiện sứ mệnh của Công ước Ramsar tại Việt Nam và trên phạm vi toàn cầu . Việc này cũng đáp ứng với nhu cầu của Ban quản lý các khu Ramsar hiện nay về thành lập Mạng lưới các khu Ramsar để chia sẻ thông tin, học tập kinh nghiệm và tăng cường hiệu quả quản lý khu Ramsar ở Việt Nam.
Theo dự kiến, mạng lưới sẽ kết nối các nhà khoa học, nhà quản lý, cộng đồng và các bên liên quan trong việc thúc đẩy công tác bảo tồn và sử dụng khôn khéo tài nguyên đất ngập nước của Việt Nam, đặc biệt là tăng cường hiệu quả quản lý các khu Ramsar; tăng cường mối liên hệ giữa thành viên chính thức của mạng lưới với các cơ quan quản lý, nghiên cứu ở trung ương và địa phương để huy động sự tham gia rộng rãi của các bên liên quan trong quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước.