Chuyển từ quản lý chủ yếu bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng chuyên môn, chất lượng
Tờ trình dự án Luật Nhà giáo do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trình bày cho biết, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài".
Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 14.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế đã đặt ra nhiệm vụ cần “phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo”.
Kết luận 91-KL/TW ngày 12.8.2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đã khẳng định cần “Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, tháo gỡ những điểm nghẽn” và đặt ra yêu cầu “cần sớm xây dựng Luật về nhà giáo”.
Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng và yêu cầu thể chế kịp thời các quan điểm chỉ đạo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định việc tham mưu cho Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội dự án Luật Nhà giáo là một giải pháp quan trọng về mặt thể chế nhằm hướng tới mục tiêu phát triển đội ngũ nhà giáo, xây dựng lực lượng nhà giáo đủ về số lượng, bảo đảm cơ cấu, chất lượng, đủ sức gánh vác được sứ mệnh vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Dự thảo Luật gồm 9 chương, 50 điều. So với Luật hiện hành, dự thảo Luật được xây dựng với sự đổi mới về quan điểm trong việc quản lý và phát triển lực lượng nhà giáo.
Đó là quan điểm chuyển từ quản lý chủ yếu bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng chuyên môn và các công cụ quản lý chất lượng. Từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực, nhằm phát triển toàn diện lực lượng nhà giáo, để phù hợp với sự đổi mới sâu sắc và toàn diện trong nền giáo dục, từ hệ thống quản lý giáo dục tới quản trị trường học đã và đang triển khai. Đây là điểm mới về cách tiếp cận, được áp dụng nhất quán trong quá trình xây dựng luật và thể hiện ở từng nội dung.
Đối tượng, phạm vi áp dụng của Luật là nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm cả nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Lần đầu tiên, có căn cứ pháp lý cho việc nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập được bình đẳng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập về định danh, chuẩn nghề nghiệp, các quyền, nghĩa vụ cơ bản của nhà giáo và một số chính sách như đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh, khen thưởng, xử lý vi phạm…
Rà soát, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện các chính sách mới
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết xây dựng dự án Luật Nhà giáo; việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.
Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện các chính sách mới, nhất là các điều kiện về nguồn lực tài chính để bảo đảm tính khả thi; nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng pháp luật về nhà giáo, tham khảo các chính sách, pháp luật đối với nhà giáo để hoàn thiện dự thảo Luật phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, Ủy ban cơ bản nhất trí quy định bao gồm những người (kể cả người nước ngoài) được tuyển dụng làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (cả công lập và ngoài công lập). Có ý kiến đề nghị cân nhắc đối tượng áp dụng là người công tác tại các Viện Hàn lâm, viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ được phép đào tạo trình độ tiến sĩ.
Về chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, Ủy ban cơ bản nhất trí quy định các chức danh nhà giáo tương ứng với các cấp học, trình độ đào tạo, được áp dụng chung cho nhà giáo công tác tại cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập; nhất trí quy định về chuẩn nghề nghiệp nhà giáo và thẩm quyền quy định chi tiết chuẩn nghề nghiệp của đối tượng nhà giáo đặc thù.
Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định pháp luật đối với nhà giáo trong trường của lực lượng vũ trang nhân dân; bổ sung thẩm quyền quy định chuẩn nghề nghiệp đối với nhà giáo công tác tại các trường thuộc tổ chức chính trị - xã hội.