Cần tổ chức bao nhiêu cuộc ứng phó mỗi năm?
Thảo luận tại Tổ 4 (gồm Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng và các tỉnh: Tuyên Quang, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu) chiều 8.11 về dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), các ĐBQH bày tỏ thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Hóa chất theo Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Góp ý cụ thể vào dự thảo luật, ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho biết, khoản 1 Điều 6 dự thảo luật về chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực hóa chất quy định: “Phát triển công nghiệp hóa chất một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội tại mỗi địa phương để phát triển công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại, bền vững, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân”.
Tuy nhiên, theo đại biểu, quy định này vẫn chưa rõ chính sách của Nhà nước cụ thể là chính sách gì. Do vậy, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát để quy định rõ hơn, qua đó tạo thuận lợi trong triển khai thực hiện.
Tương tự, Điều 53 dự thảo luật quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin. Song, theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, khi rà soát cơ chế thực hiện việc cung cấp thông tin này, như cung cấp cho ai, cho cơ quan/đơn vị nào, công tác quản lý nhà nước để thực hiện việc tiếp nhận và xử lý thông tin này ra sao... hiện vẫn chưa rõ. Do vậy, cần rà soát, bổ sung để bảo đảm cơ chế thực hiện thông suốt.
Bên cạnh đó, đại biểu lo ngại, một số quy định trong dự thảo luật có thể làm phát sinh thủ tục hành chính. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 54 về Cơ sở dữ liệu hóa chất, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xây dựng, cập nhật 5 loại báo cáo vào Cơ sở dữ liệu hóa chất theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Công thương quy định.
Cụ thể, gồm: Báo cáo định kỳ hằng năm về kết quả thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh; báo cáo tình hình thực hiện dự án theo tiến độ từng giai đoạn đầu tư xây dựng của chủ đầu tư dự án hóa chất trước khi hoàn thành công trình và đưa công trình vào sử dụng; báo cáo tình hình thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh định kỳ hằng năm của chủ đầu tư dự án hóa chất sau khi hoàn thành công trình và đưa công trình vào sử dụng…
“Cần rà soát lại xem có cần liệt kê ra nhiều loại báo cáo này trong luật hay đưa vào văn bản dưới luật, bởi nếu liệt kê sẽ làm dài luật và có thể chưa bao quát hết”, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị.
Đối với nội dung về phòng ngừa sự cố hóa chất, khoản 3, Điều 71 dự thảo luật quy định: “UBND cấp tỉnh tổ chức các cuộc diễn tập ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh có sự tham gia của các cơ quan có trách nhiệm trên địa bàn theo Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh đã được ban hành”.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị, cần rà soát thêm về tính cần thiết cũng như làm rõ đó là những cuộc diễn tập gì, cần làm bao nhiêu cuộc trong năm; đồng thời cần tính toán nguồn lực thực hiện, nhất là về kinh phí và tính hiệu quả, tránh phát sinh chi phí, gây khó khăn cho các địa phương.
Mặt khác, tại Điều 71 của dự thảo luật quy định Kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh, đại biểu đề nghị rà soát xem có cần luật hóa các nội dung của kế hoạch hay không? Theo đại biểu, dự thảo luật chỉ cần quy định cấp tỉnh có kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh, còn việc xây dựng kế hoạch như thế nào thì nên quy định ở văn bản dưới luật để gọn luật và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của UBND cấp huyện
ĐBQH Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận) bổ sung, tại khoản 4 Điều 7 về các hành vi bị cấm, quy định: “Sử dụng hóa chất thuộc danh mục không được phép sử dụng để sản xuất và bảo quản thực phẩm, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, sản phẩm hóa chất tiêu dùng”. Tuy nhiên, quy định này mới chỉ đề cập đến hành vi của người sản xuất hóa chất độc hại, mà chưa đề cập đến người sử dụng. Như thế là bỏ lọt đối tượng. Do vậy, cần nghiên cứu, bổ sung, làm rõ đối tượng bị cấm.
Điều 50 dự thảo luật quy định “tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hóa chất nguy hiểm trước khi đưa vào sử dụng, lưu thông trên thị trường phải lập Phiếu an toàn hóa chất; chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin thể hiện trong Phiếu an toàn hóa chất”. Tuy nhiên, dự thảo Luật lại chưa quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc xác nhận nội dung trong Phiếu an toàn hóa chất là đúng, bảo đảm cơ sở để triển khai.
Xét trong bối cảnh phần lớn tổ chức, cá nhân kinh doanh, nhập khẩu hóa chất không có bộ phận chuyên môn sâu về lĩnh vực hóa chất, đại biểu Chamaléa Thị Thủy nhấn mạnh, cần có sự kiểm tra của cơ quan chức năng, để bảo đảm cho các cá nhân, tổ chức sản xuất, nhập khẩu hóa chất nguy hiểm thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố, kiểm soát ô nhiễm…
Ngoài ra, theo đại biểu, cần nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của UBND cấp huyện trong việc quản lý hoạt động sang chiết, tàng trữ, kinh doanh hóa chất nhỏ lẻ tại địa phương; chủ động trong phòng ngừa, ứng phó, giảm thiểu tối đa rủi ro của các hoạt động hóa chất tới sức khỏe người dân, tới môi trường và tài sản của các tổ chức, cá nhân.
Về khoảng cách an toàn, khoản 1 Điều 62 dự thảo quy định: “Địa điểm xây dựng công trình có hoạt động sản xuất hóa chất, tồn trữ hóa chất thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này phải bảo đảm khoảng cách an toàn tới khu dân cư, công trình công cộng, công trình quốc phòng, khu quân sự, công trình an ninh, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn đa dạng sinh học, khu vực khai thác nguồn nước sinh hoạt”.
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy đề nghị, Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung cụm từ “trường học, cơ sở tôn giáo” vào sau cụm từ “khu dân cư”, vì trường học, cơ sở tôn giáo là nơi đông người, khi có rủi ro hóa chất sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều người.