Công tác pháp chế được thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả tốt
Trình bày báo cáo Tổng kết công tác pháp chế năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngô Thị Tuyết cho biết, công tác pháp chế 2023 của Bộ được đánh giá về cơ bản đã được kế hoạch hóa và tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, đạt kết quả tốt.
Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, năm 2023, đã có 30 văn bản được ban hành (gồm: 4 Nghị định; 26 Thông tư). Đến 1.1.2024, Hệ thống văn bản QPPL do Bộ chủ trì soạn thảo đã ban hành là 433 văn bản, và còn 13 dự thảo văn bản đã trình Chính phủ chưa ban hành (gồm 12 Nghị định và 1 Quyết định).
Về rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Bộ thực hiện rà soát và công bố 52 văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
Về theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Bộ đã ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2023; thành lập Đoàn kiểm tra gồm Vụ Pháp chế và đại diện các đơn vị có liên quan; thực hiện kiểm tra tại 4 cơ quan/đơn vị: Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng I, Chi cục Thú y Vùng II và 2 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, báo cáo nêu rõ, cần hoàn thành việc lập Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Lâm nghiệp, Luật Trồng trọt trong năm 2024, bảo đảm chất lượng, đúng thời hạn trình Chính phủ.
Tổng kết, đánh giá tác động, chuẩn bị cho việc lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Luật Thủy lợi trong năm 2025.
Cũng trong năm 2024, phải hoàn thành 13 văn bản gồm 4 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 8 Thông tư bảo đảm tiến độ, chất lượng, đúng quy trình quy định.
Đặc biệt, ngay trong tháng 1.2024, Vụ Pháp chế phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình Bộ trưởng ban hành Thông tư thay thế Thông tư 11/2021/TT-BNNPTNT ban hành bảng mã số HS đối với danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Tại Hội nghị, các đại biểu đều nhấn mạnh sự phối hợp tích cực, liên ngành là điểm sáng trong công tác hoàn thiện thể chế, thực thi pháp luật trong năm 2023 của các đơn vị thuộc Bộ. Theo đó, các cơ quan đều chủ động tham mưu cho Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ chuẩn bị nội dung các phiên họp của Chính phủ, Quốc hội. Các đơn vị chuyên môn tích cực tham gia quá trình xây dựng một số dự án luật do các bộ, ngành khác chủ trì.
“Không xin lùi thời hạn ban hành văn bản”
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao báo cáo về công tác pháp chế và các ý kiến góp ý tại Hội nghị. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, báo cáo đã chỉ rõ cụ thể cả những việc đã làm được và chưa làm được của năm 2023. Báo cáo cũng đã chỉ ra được nguyên nhân, giải pháp khắc phục của từng vấn đề.
Thứ trưởng ghi nhận đóng góp của đội ngũ làm công tác pháp chế của Bộ, của ngành trong việc trong việc xây dựng, đồng bộ, chuẩn hóa, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật. Đặc biệt, Vụ Pháp chế đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong việc chỉ đạo, điều hành công tác xây dựng văn bản pháp luật ngày càng chuyên nghiệp, bài bản hơn, khoa học hơn. Cụ thể, trong năm qua, Vụ đã chủ trì tham mưu trình ban hành Nghị quyết số 40-NQ/BCSĐ của Ban cán sự đảng Bộ về nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn và Quyết định số 2179/QĐ-BNN-PC của Bộ về quy trình đề xuất, lập kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ trưởng cũng biểu dương các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với Vụ Pháp chế hoàn thành mục tiêu đạt 100% kế hoạch về ban hành văn bản pháp luật, đạt yêu cầu của Ban cán sự đảng Bộ, lãnh đạo Bộ. Về công tác rà soát, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật, năm 2023 đã rà soát, bãi bỏ 52 văn bản, nhiều nhất từ trước đến nay.
“Trong năm, Bộ đã có gần 600 phiếu lấy ý kiến của thành viên Chính phủ, trung bình mỗi ngày trả lời 2 phiếu. Có những văn bản có yêu cầu về thời gian khá gấp rút nhưng nhờ sự phối hợp tốt giữa các đơn vị và Vụ Pháp chế, Bộ vẫn hoàn thành đủ về tiến độ và chất lượng” - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nêu.
Bên cạnh những thành tựu nổi bật, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đề nghị các đơn vị cần hạn chế điều chỉnh kế hoạch, chủ động đánh giá các thách thức, tránh tình trạng không hoàn thành văn bản đã đăng ký với Bộ. Năm 2023 mặc dù ban hành nhiều văn bản nhưng chủ yếu trong những tháng cuối năm, chậm tiến độ so với kế hoạch đặt ra. “Đặc biệt những văn bản liên quan đến thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính, nếu ban hành được sớm sẽ tạo thuận lợi hơn, trôi chảy hơn trong xử lý công việc” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Đề cập đến 12 dự thảo Nghị định chưa được ban hành, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, chủ yếu trong số đó là văn bản tồn đọng từ năm 2021- 2022, năm 2023 mới có 4 dự thảo được phê duyệt, 8 văn bản chưa được ban hành. Đây là những vấn đề khó, trao đổi nhiều lần, nhưng ở góc độ cơ quan chủ quản, Thứ trưởng yêu cầu cần thực hiện triệt để, xử lý dứt điểm trong 6 tháng đầu năm nay.
Bên cạnh đó, dù rà soát, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp là điểm nhấn nổi bật trong năm 2023 nhưng việc xử lý sau rà soát văn bản còn chậm.
Về kế hoạch triển khai công tác pháp chế năm 2024, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu 100% đơn vị phải ban hành kế hoạch pháp chế của đơn vị (Năm 2023 chỉ có 6 đơn vị xây dựng và ban hành). Đồng thời đề nghị trong năm 2024, các đơn vị rà soát và thực hiện nghiêm; tập trung nguồn lực, nhân lực để hoàn thành nhiệm vụ. Không báo cáo xin lùi thời hạn ban hành của bất cứ văn bản pháp luật nào.