Đoàn giám sát Bộ GD-ĐT vừa có buổi làm việc với 3 trường học của Hà Nội đang triển khai thí điểm mô hình công tác xã hội - tư vấn tâm lý học đường.
Hiệu trưởng Trường THCS Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai Trần Lệ Khanh cho biết, học sinh THCS là lứa tuổi với đặc điểm tâm sinh lý đang phát triển mạnh, nhận thức các vấn đề trong cuộc sống chưa đầy đủ, trong khi lại chịu nhiều tác động từ xã hội và không gian mạng, dễ nảy sinh các hành động tiêu cực, vì vậy công tác xã hội - tư vấn tâm lý học đường có vai trò quan trọng.
Hoạt động tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh có vai trò quan trọng trong việc trợ giúp học sinh vượt qua những vấn đề về hành vi và học tập, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, dự phòng và ngăn chặn những diễn biến không lành mạnh về sức khỏe tâm lý của học sinh.
Để nâng cao hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học sinh, Ban giám hiệu nhà trường đã rất tập trung nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh, học sinh và các lực lượng khác trong nhà trường về công tác tư vấn tâm lý học đường;
Xây dựng kế hoạch hoạt động tư vấn, tham vấn trong nhà trường cụ thể theo từng năm học; xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tâm lý học đường chuyên nghiệp để tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý trong trường học; tổ chức đa dạng các hoạt động tư vấn tâm lý học đường cho học sinh.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhà giáo Trần Lệ Khanh cũng nêu lên những khó khăn trong công tác xã hội trường học như các nhà trường không có vị trí việc làm dành cho công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường; hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức nghiệp vụ chuyên môn còn nhiều hạn chế.
Cũng tại buổi làm việc, đại diện Ban giám hiệu trường Tiểu học Trung Tự - Đống Đa và trường THPT Minh Phú - Sóc Sơn cũng có những chia sẻ về công tác xã hội trường học tại đơn vị và đề xuất kiến nghị với các cấp lãnh đạo nhiều giải pháp để công tác xã hội được thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT) Trần Văn Đạt khẳng định, Bộ GD-ĐT luôn quan tâm tới việc thực hiện các hoạt động tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong việc tư vấn, hỗ trợ học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, nhằm đảm bảo các em được học tập, hoạt động trong môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh, bình đẳng, góp phần phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Để công tác tư vấn đạt hiệu quả, thầy cô cần phải có sự phối hợp tốt trong nhà trường; giữa nhà trường với các lực lượng bên ngoài nhằm giúp tư vấn tâm lý cho học sinh, hỗ trợ và can thiệp đối với các em đang gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập, cuộc sống để tìm hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra; góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường.