Sau khi Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám, từ tháng 12.2024 - 1.2025, Ủy ban Văn hóa và Xã hội (trước đây là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) đã tổ chức lấy ý kiến các bên có liên quan đối với dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các Đại biểu Quốc hội và dự kiến chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo; Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tiếp thu, tham vấn ý kiến chuyên gia soạn thảo và họp với đại diện một số Bộ, cơ quan để xin ý kiến về một số nội dung dự kiến chỉnh lý trong dự thảo Luật Nhà giáo.
Tại Phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến đối với hồ sơ dự thảo Luật Nhà giáo. Căn cứ Thông báo kết luận phiên họp, Ủy ban Văn hóa và Xã hội tiếp tục rà soát, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Luật.

Tại tọa đàm, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội tham vấn ý kiến các chuyên gia về các nội dung như: quyền, nghĩa vụ của nhà giáo; những việc nhà giáo không được làm; thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo; điều động nhà giáo và thẩm quyền điều động nhà giáo; tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo; chính sách hỗ trợ nhà giáo; chính sách thu hút, trọng dụng đối với nhà giáo; trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong quản lý nhà giáo…
Các ý kiến đánh giá dự thảo Luật Nhà giáo được chuẩn bị công phu, đầy nhiệt huyết của các cơ quan liên quan. Tổng thể dự thảo Luật đã nêu được tương đối đầy đủ các vấn đề và nội dung cần thiết ban hành đối với việc quản lý và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, do dự thảo Luật có nhiều nội dung liên quan đến các luật, nghị định chuyên ngành khác, đặc biệt là Luật Viên chức. Vì thế, cần tiến hành rà soát kỹ lưỡng các văn bản hiện hành, tránh trùng lặp, chồng chéo.

Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật đã bao gồm nhiều nội dung quan trọng trong quản lý và phát triển đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên, cần nghiên cứu bổ sung đầy đủ hơn, thể hiện được cả quyền lợi, nghĩa vụ của nhà giáo và trách nhiệm của Nhà nước, xã hội đối với nhà giáo.
Quy định "Những việc không được làm" đối với nhà giáo về cơ bản là cần thiết, nhưng chưa đầy đủ và còn một số điểm chưa chặt chẽ; thiếu sự toàn diện và logic, thiếu tính bao quát. Vì vậy, cần nghiên cứu bổ sung, nhất là chế tài xử lý; sử dụng thuật ngữ chính xác, tránh liệt kê thiếu.

Về thẩm quyền tuyển dụng, điều động nhà giáo, dự thảo Luật quy định theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước cho các bộ, ngành và cấp chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục đào tạo, dạy nghề. Tuy nhiên, trong bối cảnh chúng ta đang tập trung quyết liệt để thực hiện Kết luận số 127/KL-TW của Bộ Chính trị và Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị, các đại biểu đề nghị, trong dự thảo Luật chỉ quy định về mặt nguyên tắc.

Đối với giáo dục mầm non công lập, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp công lập, giáo dục thường xuyên, giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp công lập có trình độ đào tạo từ cao đẳng trở xuống, việc tuyển dụng, điều động nhà giáo do cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục cấp tỉnh thực hiện.
Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, cơ sở giáo dục đại học, sau đại học, các viện đào tạo công lập có trình độ từ đại học trở lên, việc tuyển dụng, điều động nhà giáo do cơ quan quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện…

Cảm ơn những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, đây là cơ sở để Ủy ban tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo, với tinh thần những gì đã rõ, đã chín thì đưa vào luật; những chính sách mới chưa đánh giá tác động thì sẽ tiếp tục nghiên cứu.
“Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội sẽ phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật”, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.