Tư vấn tâm lý học đường - mô hình cần nhân rộng

- Thứ Bảy, 18/04/2009, 00:00 - Chia sẻ
Chỉ vì cô phiền trách, bạn học chia tay, có học sinh đã chọn con đường… tự tử. Chỉ vì thiếu một lời xin lỗi, án mạng đã xảy ra giữa hai học sinh. Không ít xung đột bạn - bè, thầy - trò đã không được điều chỉnh, giải tỏa kịp thời dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng xảy ra trong môi trường học đường. Xây dựng các mô hình tư vấn tâm lý là một sáng kiến hay và thiết thực của nhiều trường phổ thông trong việc thực hiện môi trường học đường thân thiện.

Phòng tư vấn tâm lí của Trường THPT Châu Văn Liêm, TP Cần Thơ là căn phòng rất khiêm tốn. Phòng là của chung học sinh nhà trường nhưng cũng là chốn đi về rất… riêng tư của mỗi em. Hằng ngày, “trung tâm gỡ rối” này không chỉ làm công tác tư vấn tâm lý, giải đáp hàng tá thắc mắc mà còn lắng nghe cả tiếng lòng của học sinh… Từ những tâm tư của các em, các nhà tư vấn đã chia sẻ, định hướng và không ít trường hợp đã giúp tháo gỡ những… căng thẳng không đáng có trong môi trường học đường. Điều đáng quý là Phòng tư vấn này do các giáo viên bộ môn và Ban giám hiệu tham gia và thay nhau trực suốt giờ học. Các thầy cô tâm huyết và yêu nghề của tập thể sư phạm nhà trường đã tham gia tổ tư vấn không nhận bất kì một khoản thù lao nào.

Phòng tâm lí của Trường THPT Nguyễn Tất Thành (ĐHSP Hà Nội) cũng đặc biệt hiệu quả trong vấn đề giải nhiệt tâm lí tuổi học trò. Nhà trường đã phối hợp với Khoa Tâm lí của Trường ĐHSP Hà Nội và UNESCO Việt Nam tổ chức phòng tham vấn học đường nhằm giúp học sinh giải quyết những vướng mắc về tâm lí. Phòng tham vấn “Tâm sự tuổi hồng” của trường hoạt động từ năm 2006 đã thực hiện hàng trăm ca tư vấn cho HS và là địa chỉ được các em và phụ huynh tin cậy. Theo lãnh đạo nhà trường, nhờ hoạt động này, học sinh của trường đã kịp thời nhận được những tư vấn, hướng dẫn trong kỹ năng sống, những vướng mắc trong quan hệ thầy trò, bạn bè… được tháo gỡ và lành mạnh hóa. Môi trường học đường nhờ vậy thân thiện hơn.

Là một giảng viên, đồng thời là chuyên viên tư vấn tâm lý, bà Hoàng Minh Tố Nga (Giảng viên môn tâm lý, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM) lưu ý: hiện nay nhiều em ở lứa tuổi thanh thiếu niên chưa được trang bị kĩ năng cần thiết để tự giải quyết mâu thuẫn. Các nghiên cứu về tâm lí con người cho thấy mọi mâu thuẫn đều bắt đầu ở mức thấp nhất là lời nói. Khi không được giải quyết thỏa đáng, những mâu thuẫn nhỏ này sẽ chuyển sang hành vi bạo động thân xác rất nguy hiểm.

Trong giai đoạn này, nếu không có người hiểu biết về tâm lí giúp họ giải tỏa cơn giận thì tình huống xấu nhất sẽ xảy ra. Vì vậy, các trường học cần có chuyên viên tư vấn tâm lí học đường, phối hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm để kịp thời hỗ trợ kĩ năng, tư vấn kiến thức pháp luật, chia sẻ gút mắc... cho học sinh khi có mâu thuẫn xảy ra. Bên cạnh đó, nếu người trong cuộc biết kiềm chế bản thân bằng cách ngồi lại đàm phán thương lượng, lắng nghe, cùng trao đổi điều chưa hài lòng về nhau... thì sẽ giải tỏa được sự dồn nén, cơn giận dữ và có cơ hội bộc lộ cảm xúc một cách tích cực, từ đó có những hành vi phù hợp.

Hà Bình