Giám đốc Hợp tác quốc tế của Bộ Môi trường, Phát triển bền vững và Chuyển đổi Sinh thái Bờ Biển Ngà Yao Marcel cho biết, Bộ đã soạn thảo một dự luật “có tính đến ý kiến của tất cả các bên liên quan về vấn đề này ở cấp quốc gia”.
Dự thảo luật trên thực tế đã cơ bản được hoàn thiện và sẽ được đưa ra Hội đồng Bộ trưởng thông qua trong năm nay trước khi trình Quốc hội xem xét.
Theo ông Yao, sau khi dự thảo luật được thông qua, một ủy ban liên bộ và một cơ quan khí hậu quốc gia sẽ được thành lập để “điều phối mọi hành động về khí hậu ở cấp quốc gia nhằm tập hợp các nỗ lực và tạo ra kết quả bền vững”.
Việc Bờ Biển Ngà thúc đẩy kế hoạch thông qua khung pháp lý liên quan đến biến đổi khí hậu sẽ đánh dấu một bước quan trọng trong nỗ lực của quốc gia châu Phi trong việc đạt được các mục tiêu khí hậu quốc gia. Chính quyền Bờ Biển Ngà cho biết, điều này cũng thể hiện cam kết cụ thể của đất nước đối với một tương lai bền vững.
Được xếp hạng thứ 141 trên 182 quốc gia theo Chỉ số Thích ứng quốc gia (ND-GAIN), Bờ Biển Ngà là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu, do vị trí địa lý, cơ cấu kinh tế và khả năng ứng phó kém trong giải quyết các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.
Các dự báo ước tính rằng biến đổi khí hậu sẽ khiến vào năm 2050, Bờ Biển Ngà sẽ phải đối mặt với sự biến đổi lớn hơn về lượng mưa, kết hợp với nhiệt độ trung bình nóng hơn. Đến năm 2050, nhiệt độ dự kiến sẽ tăng 1,5°C – 3°C. Mực nước biển cũng được dự đoán sẽ tăng (+30 cm) và nếu không có hành động nào, mực nước biển thậm chí có thể tăng lên 1,2 mét ở khu vực Greater Bassam và Abidjan. Điều này có thể sẽ dẫn đến nhiều khu vực bị ngập lụt hơn, dẫn đến thiệt hại nặng nề về nhân mạng và buộc các gia đình và hoạt động kinh tế phải di dời.
Rủi ro khí hậu được ghi nhận trong một số lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Côte d'Ivoire: nghề cá ven biển có thể giảm 26% vào năm 2050, do nhiệt độ không khí tăng lên, diện tích bề mặt thích hợp cho việc trồng ca cao có thể bị giảm đáng kể và tình trạng dễ bị tổn thương hoặc căng thẳng về nước, xói mòn bờ biển gia tăng và mất độ che phủ rừng cũng có thể xảy ra. Ước tính từ Ngân hàng Thế giới cho thấy Côte d'Ivoire có thể chịu tổn thất từ 380 đến 770 tỷ Franc do biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2040 - 2100, trong đó lĩnh vực nông nghiệp, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng nhiều nhất.