Không quy định ô xy y tế trong dự thảo Luật
Đa số ĐBQH tán thành với nhiều nội dung được tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật; cho rằng, về cơ bản đã bảo đảm tính khả thi, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật đã thống nhất không quy định về ô xy y tế; đồng thời, kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết về khí y tế dùng trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại Nghị quyết Kỳ họp Quốc hội tới.
Đồng tình với nội dung này, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu rõ, Tổ chức Y tế thế giới đã có tiêu chuẩn quy định ô xy dùng cho y tế và không thể thiếu cho điều trị, đặc biệt là cho cấp cứu. "Chúng ta không nên so sánh với các khí khác, các khí khác cũng cần nhưng không thể đặt ngang hàng với ô xy y tế được". Do đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí mong muốn, vấn đề ô xy y tế dùng trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh sẽ được giải quyết dứt điểm một cách sớm nhất trong thời gian tới bằng việc giao Chính phủ quy định chi tiết về ô xy y tế tại Nghị quyết Kỳ họp Quốc hội tới.
Cần quy định về việc cho phép bán thuốc qua mạng
Về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử, tại Khoản 1a, Điều 42 sửa đổi có quy định “thuốc bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử phải thuộc danh mục thuốc không kê đơn, thuốc thuộc danh mục hạn chế bán lẻ, thuốc phải kiểm soát đặc biệt”.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, quy định như vậy là đúng nhưng chưa đủ. Bởi, việc khám, chữa bệnh từ xa đang dần phát triển, việc kê đơn tất nhiên phải là kê đơn điện tử, bệnh án điện tử… để đưa thuốc đến tận nhà cho người bệnh, đó chính là thương mại điện tử.
Nhấn mạnh việc khám, chữa bệnh từ xa, kê đơn từ xa để đưa thuốc đến là việc không ngăn chặn được, sớm hay muộn cũng xảy ra và xảy ra rất mạnh mẽ, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị, cần có thêm quy định cho phép bán thuốc qua mạng cho những trường hợp thực hiện khám, chữa bệnh từ xa với điều kiện: một là, thuốc phải do một nhà thuốc có uy tín, được cho phép mới cung cấp thuốc; hai là, người giao hàng là người có đăng ký và do nhà thuốc đó có danh sách quản lý.
Liên quan đến nội dung này, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà cho biết, trong dự thảo Luật còn có quy định một hình thức bán buôn theo phương thức thương mại điện tử, tức là bán cả thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, các thuốc quản lý đặc biệt và nguyên liệu làm thuốc. Việc triển khai hình thức này sẽ rất vướng mắc trong thực tiễn, bởi nếu kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử thì khó phân biệt được hình thức bán buôn hay bán lẻ. Hơn nữa, việc quy định là thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, nguyên liệu làm thuốc thực sự cũng rất khó khăn, bởi có rất nhiều loại thuốc phải kê đơn theo giới hạn nồng độ.
"Đã là thương mại điện tử thì chỉ bán thuốc không kê đơn. Đây là mô hình rất nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Cần phải xây dựng nguyên tắc cụ thể tại luật, sau đó Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ quy định để tránh tình trạng mua bán thuốc tràn lan, không kiểm soát được và sử dụng thuốc quá liều, đặc biệt là những thuốc gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người dân trên môi trường thương mại điện tử", Phó Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị.