Mức lương - bí mật của các doanh nghiệp
Tại “siêu thị việc làm”, “sàn giao dịch việc làm”, chúng ta thấy nhiều công ty công khai nhu cầu tuyển dụng của mình, khá cụ thể về các vị trí cần tuyển dụng… Thậm chí, có công ty còn yêu cầu những tố chất cụ thể như: “sáng tạo, năng động, trách nhiệm, chịu áp lực công việc cao” hoặc yêu cầu về kinh nghiệm làm việc. Tuy nhiên, phần ghi về quyền lợi của người được tuyển dụng thì khá sơ sài. Dòng đầu tiên thường được ghi là: “Ứng viên được chọn sẽ được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, sáng tạo, cạnh tranh, phát triển, năng động”. Với nội dung như vậy, đâu khác gì quảng cáo cho chính doanh nghiệp của mình. Dòng thứ hai là: “Chế độ lương, thưởng, đãi ngộ hấp dẫn, kích thích hiệu quả công việc”.
Như vậy, các ứng viên cứ “mê man” trong những lời dỗ ngọt rất chung chung mà không thể tìm cho mình một con số cụ thể, hoặc hình dung ra một mức lương khoảng bao nhiêu? Trao đổi với một số cử nhân và các sinh viên đã từng tham gia tuyển dụng ở nhiều doanh nghiệp cho thấy, họ đều rất muốn biết được chế độ đãi ngộ của các doanh nghiệp dành cho từng vị trí tuyển dụng cụ thể để lựa chọn. Nhưng trong hoàn cảnh tù mù như thế này, họ đành chọn giải pháp ghi danh, điền phiếu tuyển dụng của hàng loạt doanh nghiệp rồi xếp hồ sơ vào danh sách chờ tuyển dụng dài dằng dặc, để lần lượt thực hiện cuộc hành trình làm ứng viên chưa biết đâu là hồi kết.
Tìm hiểu từ các doanh nghiệp, thì câu trả lời nhận được khá giống nhau, rằng “mức lương là thông tin mật của công ty, khi nào ứng viên được tuyển dụng sẽ được biết”. Trong một lần trò chuyện với một giám đốc nhân sự của một công ty lớn, chúng tôi dần dà mới khám phá ra những “chiêu” tuyển dụng phổ biến của các doanh nghiệp hiện nay. Khi đã tuyển được những người đáp ứng yêu cầu công việc, vấn đề lương mới được đặt ra. Đại diện tuyển dụng của công ty sẽ hỏi riêng từng người, để họ đưa ra “mức lương phù hợp”. Đây lại là một bài toán khó cho người được tuyển dụng. Nếu họ không có thông tin, sẽ đưa ra một mức lương không tương thích, nếu cao quá sẽ không được doanh nghiệp chấp thuận, mà thấp hơn mức lương doanh nghiệp đang trả cho các vị trí giống như mình, thì lại thiệt thòi cho bản thân.
Trên thực tế, đã có doanh nghiệp đang trả mức lương 17 triệu đồng/tháng cho vị trí mà ứng viên chỉ yêu cầu dưới 10 triệu đồng/tháng. Như vậy ứng viên được nhận vào làm ngay, nhưng sau một quá trình, có thể mới biết được mình bị hớ. Lao động nữ thường khó cạnh tranh với lao động nam, vì các doanh nghiệp ngại vấn đề đặc thù của nữ là mang thai và sinh đẻ. Nhưng có doanh nghiệp lại sẵn sàng nhận lao động nữ, chỉ vì khi tuyển dụng, họ thường tự nhận một mức lương khiêm tốn hơn so với cánh mày râu.
Liệu có khi nào việc “tìm” người?
Quay lại với câu hỏi lớn đặt ra là “Bao giờ, việc tìm người”?. Chắc chắn, đó là khi thị trường nhân lực “cầu” phải lớn hơn “cung”. Nhưng cũng không thể ngồi đó mà chờ vì cái ngày mà cả thị trường “cầu” lại lớn hơn “cung” thì có lẽ chưa biết bao giờ diễn ra. Và hiện tại, nhiều khi có những người trình độ cử nhân, thạc sỹ vẫn phải chấp nhận đầu quân ở những vị trí chỉ cần trình độ cao đẳng, vì lao động có nhiều nhưng việc làm lại ít. Nhưng ở đâu đó, trong từng vùng miền, địa phương, từng ngành nghề, thì vẫn có tình trạng đơn vị tuyển dụng khó tìm được người đáp ứng đủ các tiêu chuẩn vào vị trí mình tuyển chọn.
Có thể nói, đâu đó trên thị trường vẫn có những phân khúc mà nhà tuyển dụng phải “đốt đuốc lên để đi tìm” người lao động. Trước nhất, với những vị trí cao cấp trong các doanh nghiệp ở các lĩnh vực xuất nhập khẩu, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản… dù mức thù lao cao ngất ngưởng, cũng khó tìm được người đáp ứng đủ các yêu cầu của công việc. Thấp hơn, với những vị trí lãnh đạo cấp phòng của các doanh nghiệp kiểu này cũng luôn ưu tiên cho ứng viên có các bằng cấp, chứng chỉ quốc tế hoặc các trường kinh tế nằm trong “top” đầu trong nước, với nhiều năm kinh nghiệm, thành tích làm việc tại các doanh nghiệp trước và tiếng Anh thành thạo.
Đối với những công việc dành cho sinh viên mới ra trường, thì các ngành maketting, PR, lập trình, đồ họa vi tính, ngân hàng, chứng khoán… hiện cũng không phải là cánh cửa hẹp cho họ, đồng thời mức lương khởi điểm dễ chịu hơn các ngành xã hội khác, cơ hội thăng tiến hoặc chuyển đổi vị trí làm việc cũng cao hơn. Nhìn chung với những sinh viên ngành kinh tế, sau khi ra trường thường tìm được việc làm nhanh hơn và đúng ngành nghề hơn so với các sinh viên học ngành kỹ thuật và nhất là so với ngành xã hội – nhân văn. Những lý do đó đã tác động vào bậc THPT, làm cho học sinh chỉ chú trọng học các môn thi khối A, khối B và D là các khối thi tuyển vào ngành kinh tế. Cơ cấu đào tạo đại học của nước ta hiện nay cũng đang có sự thiên lệch, nặng về các ngành kinh tế. Trước đây chỉ có một số trường kinh tế và một số khoa kinh tế đặt tại trường ĐH lớn, nhưng hiện nay đúng là trường trường đua nhau mở ra các ngành, khoa mới đắt giá như: kinh tế; tài chính – ngân hàng; quản trị kinh doanh; quản trị nhân lực…
“Bung” ra khó có thể đảm bảo chất lượng đào tạo. Và như vậy, trong thời gian tới đây có khả năng số lượng sinh viên kinh tế đào tạo ra rất lớn nhưng cơ hội sẽ chỉ dành cho những người thực sự giỏi mà thôi. “Giỏi” ở đây không chỉ là vấn đề đạt được tấm bằng giỏi, mà phải giỏi cả về ngoại ngữ, giao tiếp, đầy đủ các chứng chỉ cần thiết cho công việc của mình…Điều này cũng đúng với tất cả các ngành khác nữa, trong thời đại ngày nay, khi vấn đề việc làm cũng là “không biên giới”, ngay trên đất nước ta, nhân lực của Việt Nam đang phải nhường chỗ cho lao động, chuyên gia nước ngoài hưởng những mức lương cao ngất ngưởng chỉ vì những vấn đề về ngoại ngữ hoặc kỹ năng thực hành.