Sự bùng nổ xe công nghệ
Kể từ năm 2015 đến nay, thị trường xe công nghệ tại Việt Nam đã có sự bùng nổ với hơn 20 nền tảng khác nhau ra đời. Đến nay, có hơn 67.000 xe taxi, 90.000 xe hợp đồng đã đăng ký kinh doanh và được cấp phù hiệu.
Với doanh thu khoảng 2,4 tỷ USD trong năm 2021 và tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 30-35% mỗi năm trong giai đoạn từ 2015 đến nay… mức tăng trưởng xe công nghệ cao thứ 2 chỉ sau thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam.
Trong giai đoạn 2020 – 2021, dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, có những giai đoạn hoạt động cung cấp dịch vụ gọi xe trực tuyến bị gián đoạn, nhưng các nền tảng gọi xe trực tuyến đã tăng cường mở rộng, bổ sung các dịch vụ khác như giao hàng, thanh toán điện tử, giao đồ ăn…
Theo số liệu thống kê của Statista năm 2020, tổng thị phần của 3 doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam, gồm: Grab, Gojek và Be đã đạt gần 99%, cho thấy mức độ tập trung thị trường khá cao.
Trong cuộc đua xe công nghệ, ngày 1.3.2023 vừa qua, Vingroup chính thức thành lập Công ty cổ phần Di chuyển xanh và thông minh GSM. Công ty cung cấp dịch vụ cho thuê xe ô tô, xe máy điện và dịch vụ taxi VinFast. Công ty chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4 và mở rộng phạm vi ra toàn quốc trong năm 2023. Việc Vingroup thành lập GSM khiến cho cuộc cạnh tranh xe công nghệ tại thị trường trong nước ngày càng trở nên khốc liệt hơn.
Công khai mua bán trao đổi tài khoản
Ghi nhận thực tế tại một số hội nhóm kín trên nền tảng mạng xã hội Facebook, nhiều người dùng đăng tải thông tin với nội dung cần thuê, cần mua, cho thuê tài khoản ứng dụng xe công nghệ như Grab, Be, Gojek.... với mức phí linh hoạt. Chính vì lẽ đó, một số tài xế lái xe công nghệ dịch vụ xe máy, xe ô tô hay thậm chí là giao hàng không thật sự là chủ tài khoản đăng ký với công ty chủ quản.
Cụ thể, tại nhóm kín Hội anh xem tài xế Grab - Be - Gojek - Aha...trên nền tảng Facebook, rất nhiều người dùng mạng đăng tải thông tin bán/cho thuê tài khoản xe công nghệ với chi phí từ 1.000.000 đồng/tháng. Ngoài ra, còn có nhiều tài xế không còn chạy xe nữa cũng đăng tải thông tin bán tài khoản cùng với các phụ kiện đi kèm như mũ, áo khoác...
Việc tài xế sử dụng tài khoản hay phương tiện giao thông không chính chủ không phải điều xa lạ. Tuy nhiên, những "cuốc xe" đó tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng bởi lẽ thông tin đăng ký với công ty chủ quản là của một người khác. Trong trường hợp có bất kỳ điều gì xảy ra với khách hàng, công ty chủ quản chỉ có thể trợ giúp truy xuất thông tin tài xế dựa theo thông tin tài khoản đã đăng ký.
Nguy cơ đối với khách hàng
Thực tế cho thấy, có nhiều khách hàng và thậm chí tài xế gặp phải nhiều rủi ro khi đi lại bằng xe công nghệ. Minh chứng là nhiều khách hàng phản ánh tình trạng một số lái xe đi rất ẩu, không những vượt đèn đỏ, lao lên vỉa hè, đi ngược chiều để tiết kiệm thời gian và quãng đường, mà họ còn sẵn sàng chở người quá quy định.
Bên cạnh đó, nhiều tài xế vừa chở khách, vừa giao dịch với khách hàng khác qua điện thoại di động. Có trường hợp tài xế xe công nghệ sau khi va chạm giao thông còn đánh cãi, chửi nhau, kéo bè kéo phái đến hăm dọa người khác.
Nghiêm trọng hơn, mới đây đã xảy ra vụ lái xe công nghệ hiếp dâm khách hàng nữ. Theo đó, ngày 17.2, Công an TP Dĩ An (Bình Dương) cho biết đã bắt giữ Nguyễn Tấn Kỵ để điều tra về hành vi “Hiếp dâm” và Cướp tài sản”.
Tại cơ quan công an, nghi phạm khai tên Nguyễn Tấn Kỵ (44 tuổi, quê Khánh Hòa), thừa nhận hành vi phạm tội. Kỵ khai mình hành nghề xe ôm, khi đang chở khách thì nảy sinh dục vọng và hiếp dâm chị H.
Trước đó, liên quan đến hãng xe Be Group, vào năm 2020, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên phúc thẩm và tuyên tăng án phạt đối với Nguyễn Trọng Thuận về tội Hiếp dâm.
Theo bản án, Thuận là tài xế của Công ty Be Group, bản thân đã có vợ con. Tối 24.8.2019, anh ta đón một khách nữ đi từ phố Nguyễn Khang về Nam Trung Yên (cùng trên địa bàn quận Cầu Giấy). Sau khi đón cô gái này, Thuận buông lời tán tỉnh yêu đương với cô gái nhưng bị từ chối. Sau đó, cô gái yêu cầu Thuận cho xe chạy về.
Trước yêu cầu trên, Thuận vẫn lái xe đi nhưng thỉnh thoảng dừng lại với lý do say rượu. Mỗi lần như vậy, cô gái đều dùng tay mở cửa để định chạy ra ngoài thì Thuận nhoài người ra đóng lại. Mặc cho cô gái lấy cớ đi vệ sinh, say xe, song Thuận đưa ra các lý do để nạn nhân không dám rời đi. Sau đó, anh ta khống chế cô gái với ý định cưỡng bức nạn nhân.Với hành vi trên, Thuận bị Toà án nhân dân huyện Quốc Oai tuyên phạt 3 năm về tội “Hiếp dâm”.
Với thực trạng nêu trên, có thể thấy đang tồn tại nhiều nguy cơ rủi ro cho khách hàng khi xuất hiện tình trạng sử dụng tài khoản không chính chủ để hành nghề lái xe công nghệ.
Theo các chuyên gia, để ngăn chặn tình trạng tài xế mua lại tài khoản của người khác trên nền tải mạng xã hội và giảm thiểu rủi ro cho những chuyến đi, khách hàng cần chung tay với công ty chủ quản của các ứng dụng xe công nghệ bằng việc gửi thông tin phản ánh sau mỗi chuyến đi. Ngoài ra, các cơ quan chủ quản cũng cần có những biện pháp phù hợp để giải quyết dứt điểm tình trạng trên để đảm bảo an toàn cho khách hàng và cả tài xế.
Đối với trường hợp tài xế xe công nghệ không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, cần có những biện pháp mạnh tay hơn nữa để ngăn chặn tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ của các tài xế xe công nghệ.
Doanh nghiệp xe cần quản lý nghiêm những tài xế cố tình vi phạm khi có phản hồi của khách hàng. Lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát kiên quyết lập biên bản xử phạt những tài xế vi phạm. Doanh nghiệp xe ôm công nghệ cũng cần sự phối hợp lực lượng chức năng thu thập thông tin tài xế vi phạm để có những biện pháp mạnh như khóa tài khoản hoặc ngừng hợp tác.