Phát biểu tại buổi thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu rất kỹ dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Việc đấu giá biển số xe trước tiên là đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân để họ có thể sở hữu những biển số xe như mong đợi. Thứ hai mới là thu thêm ngân sách cho Nhà nước. Và dự thảo Nghị quyết mới là thí điểm, trước Việt Nam, đã có nhiều nước trên thế giới đã thực hiện đấu giá biển số xe. Trong quá trình đấu giá biển số xe có thể sẽ có những vấn đề phát sinh, nhưng chúng ta tìm những biện pháp xử lý những vấn đề này.
Còn nhiều băn khoăn
Phát biểu tại buổi thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, đại biểu cũng nhấn mạnh, dự thảo Nghị định được chuẩn bị khá công phu, tiếp thu nhiều ý kiến.
Tuy nhiên, đại biểu Phan Đức Hiếu cũng cho rằng, việc phân tách giá khởi điểm trong đấu gía biển số xe ô tô tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với các tỉnh ở mức giá khác nhau là không cần thiết. “Tôi nhận thấy, nếu như cấp biển số ngẫu nhiên thì có thể phân ra hai mức giá khác nhau, nhưng khi đã đấu giá theo cơ chế đấu giá thì không có lý do gì để phân tách là biển số của tỉnh sẽ có giá khởi điểm thấp hơn biển của TP Hồ Chí Minh hay TP Hà Nội. Bởi vì khi đã đấu giá, tức là người ta có thể sẵn sàng trả mức tiền cao hơn so với mức tiền khi cấp biển số ngẫu nhiên. Do đó, tôi đề nghị thống nhất mức giá biển số ô tô ở một mức. Chúng ta có thể cũng cân nhắc hai mức giá là 40.000.000 đồng hoặc là 60.000.000 đồng hay một giá cụ thể nào đó”, đại biểu Phan Đức Hiếu bày tỏ quan điểm.
“Hiện nay, có những quan điểm tranh cãi về có hay không có thị trường thứ cấp về trao đổi biển số sau khi đấu giá, tôi nhất trí với giải trình của cơ quan soạn thảo. Đây là một nghị quyết về thí điểm, nếu có mở ra một thị trường thứ cấp thì không phải không mở được. Nhưng theo tôi, có lẽ việc quản lý hành chính sẽ phức tạp hơn. Dó đó, tạm thời chúng ta chưa nên mở hoàn toàn thị trường thứ cấp cho việc trao đổi biển số…”, đại biểu Phan Đức Hiếu nhận định.
Đánh giá về nội dung dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá đại biểu Quốc hội Lê Xuân Thân (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà) cho rằng, thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá là một phương thức tốt để thu thêm tiền cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên về phần nội dung, cơ quan soạn thảo, trình dự thảo cần làm rõ nhiều vấn đề.
“Lúc chưa đấu giá thì biển số xe là tài sản công, khi đã đấu giá và thu tiền rồi thì biển số đó không còn là tài sản công theo quy định của Bộ Luật Dân sự. Và khi đó, cần có các quy định rõ về quyền và trách nhiệm của người sở hữu biển số xe đã thắng trong đấu giá. Họ có các quyền luân chuyển, thừa kế, biếu tặng, chuyển nhượng như thế nào, vẫn cần các quy định chi tiết hơn. Tôi đề nghị cần có những quy định cụ thể về vấn đề này… Thứ hai, việc đấu giá biển số xe là thu tiền về ngân sách nên thời hạn thí điểm Nghị quyết 3 năm là quá ngắn. Tôi cho rằng, cần điều chỉnh thời hạn thế điểm ở mức dài hơn”, đại biểu Lê Xuân Thân nêu ý kiến.
Cần bảo đảm lợi ích, sự công bằng
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn ĐBQH Quảng Trị) cho rằng, việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá nhằm đáp ứng như cầu, nguyện vọng của người dân, đồng thời tăng thu cho ngân sách là hoàn toàn đúng. Nhưng trong quá trình đấu giá cần có các biện pháp nhằm bảo đảm tính công bằng cho người tham gia đấu giá và người sở hữu biển số khi thắng đấu giá.
“Mặt khác, cần xác định đây là tài sản công hay tài sản tư để có những quy định rõ ràng. Tôi đề nghị, nên có mức giá chung giữa các tỉnh, thành phố để hài hòa với lợi ích của người dân. Chúng ta cần xem xét bổ sung giải pháp để xử lý vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện vì có thể tạo ra hiện tượng đầu cơ biển số xe…”, đại biểu Hoàng Đức Thắng chia sẻ.
Đóng góp ý kiến về vấn đề này, đại biểu Phan Đức Hiếu cũng cho rằng, đây là Nghị quyết thí điểm nên có thể có những quy định mới mà luật pháp hiện hành chưa có quy định hoặc có đã có quy định nhưng không áp dụng triệt để được. Tôi mong rằng, chúng ta sẽ có một cơ chế, quy trình, thủ tục về đấu giá biển số hoàn toàn mới khác với quy định của Luật Đấu giá tài sản trong đấu giá biển số xe ô tô nhằm hạn chế những thủ tục phức tạp cho người dân. Chúng ta có thể áp dụng biện pháp đấu giá qua mạng internet bằng các nền tảng công nghệ, phần mềm, trình tự đấu giá hoàn toàn mới này có thể thay thế cho quy trình đấu giá truyền thống hiện nay theo quy định của Luật Đấu giá tài sản. Mặt khác, trình tự này cũng nhằm giảm thủ tục hành chính, bảo đảm tính khả thi, minh bạch và công bằng cho người tham gia đấu giá.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà) cũng băn khoăn rằng các văn bản pháp quy hiện hành chưa có quy định về quản lý biển số xe trúng đấu giá. Dự thảo Nghị quyết cũng chưa đưa ra tiêu chí cụ thể số xe nào sẽ được đưa ra đấu giá và ai là quyết định việc này. Làm sao bảo đảm công bằng khi đấu giá biển số xe. “Mặc dù, kho biển số đem đấu giá là những biển số chưa được đăng ký, nhưng nhu cầu của người dân là rất đa dạng. Do đó, chúng ta phải tạo được các kho biển số rất ra đạng về tiêu chí để nhiều người có thể tham gia.”, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị.