Siết chặt quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Nhằm quán triệt, cụ thể hóa quy định của Trung ương về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Đồng Nai đã đặc biệt quan tâm, lãnh đạo việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại. HĐND tỉnh đã có Nghị quyết về Đề án Bảo vệ môi trường; UBND tỉnh có các quyết định về phân công trách nhiệm quản lý; phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch quản lý chất thải rắn.
UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn; văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 1.12.2020 về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn. Đồng Nai cũng đã rất sớm có văn bản chỉ đạo triển khai Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10.1.2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó, lưu ý việc thực hiện quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn liên quan. Nhờ đó, công tác xử lý chất thải rắn đạt được một số kết quả tích cực.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, hiện nay khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 2.018 tấn/ngày, bao gồm chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân là 1.854 tấn/ngày, trong đó, khối lượng phát sinh tại khu vực đô thị là khoảng 992 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 862 tấn/ngày, khối lượng thu gom chất thải rắn sinh hoạt khoảng 1.703 tấn/ngày được đưa về các khu xử lý chất thải để xử lý. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ khoảng 164 tấn/ngày, được các chủ nguồn thải tự thỏa thuận hợp đồng với các cơ sở có chức năng để thu gom, xử lý theo quy định.
Năm 2021, tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sau xử lý dưới 15%; đã có 310.530 hộ dân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn (đạt 35% số hộ dân toàn tỉnh), với khối lượng là 594 tấn/ngày (đạt 32% tổng khối lượng phát sinh toàn tỉnh). Chi phí chi trả cho hoạt động thu gom chủ yếu từ nguồn thu phí của các hộ gia đình (28.000 - 30.000 đồng/hộ/tháng, tùy theo số nhân khẩu). Thành phần tham gia thu gom phong phú với 167 đơn vị tham gia (gồm trung tâm công ích cấp huyện, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác…); có 145 xe chuyên dụng, xe ép rác; 63 trạm trung chuyển/điểm san tiếp rác…
Đối với công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch các trạm trung chuyển, khu xử lý tập trung; tất cả các khu xử lý theo quy hoạch đều có nhà đầu tư và đa số đã triển khai đi vào hoạt động. Đồng Nai đã phê duyệt quy hoạch 9 khu xử lý chất thải rắn với tổng diện tích đất khoảng 459,5ha. Trong đó, đã giao và ký hợp đồng thuê đất với doanh nghiệp khoảng 296,35ha; với tổng cộng 17 dự án (trong đó 3 dự án đã ngưng tiếp nhận chất thải; 3 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng; 11 dự án đang hoạt động).
Thiếu đồng bộ trong phân loại và vận chuyển
Mặc dù đã đạt được những kết quả trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, song, đại diện UBND tỉnh Đồng Nai cũng chỉ rõ những tồn tại hạn chế, đặc biệt trong công tác thu gom, phân loại và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Cụ thể, ở nhiều địa phương, công tác lãnh đạo chỉ đạo trong quản lý chất thải rắn chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là ở cấp xã, dẫn đến một số nơi vẫn còn tình trạng chất thải rắn sinh hoạt bỏ không đúng nơi quy định. Việc triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại các địa phương chỉ dừng lại ở phạm vi thí điểm, chưa triển khai thực hiện trên toàn địa bàn một cách đồng bộ. Mặt khác, hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, chống rác thải nhựa đã được triển khai với nhiều hình thức nhưng người dân chưa thực sự tiếp cận sâu và rộng.
Bên cạnh đó, tỷ lệ đăng ký thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại một số xã còn thấp, do một phần các hộ gia đình nằm trong khu vực vườn rẫy không có tuyến thu gom, một phần do ý thức thực hiện của các hộ gia đình còn thấp, không đồng ý đăng ký và đóng phí thu gom chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; chất thải rắn sinh hoạt phát sinh bỏ vào các thùng rác công cộng hoặc bỏ chung với các hộ đã đóng phí thu gom.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho công tác thu gom, vận chuyển, trung chuyển còn nhiều hạn chế; các địa phương chưa đầu tư chuẩn hóa các điểm trung chuyển theo quy chuẩn; nhiều điểm trung chuyển, sang tiếp rác chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chưa đưa vào quy hoạch sử dụng đất của địa phương; các trạm trung chuyển không đáp ứng yêu cầu có khu vực lưu giữ riêng đối với nhóm chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại.
Thống kê cho thấy, đến nay, các cá nhân, đơn vị thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đã trang bị 145 xe chuyên dụng, xe ép rác bảo đảm cho hoạt động thu gom đúng quy định. Tuy nhiên, còn một số hợp tác xã và phần lớn hộ cá nhân, cộng tác viên còn hạn chế năng lực tài chính, vẫn đang sử dụng 209 phương tiện thô sơ, lạc hậu.