Thực hiện Đề án số 1856/ĐA-BCĐ ngày 29.8.2023 của Ban Chỉ đạo kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng cuốn sách “Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập 5 (giai đoạn 2011 - 2026)”.
Yêu cầu biên soạn sách là phản ánh đầy đủ, toàn diện, chính xác, khách quan, khoa học quá trình phát triển về tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam giai đoạn 2011 - 2026, tương ứng với quá trình phát triển và hoạt động của Quốc hội trong các nhiệm kỳ Khóa XIII, XIV, XV (theo trình tự thời gian) trên cơ sở bám sát chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội (lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và hoạt động đối ngoại). Phân tích những thành tựu, hạn chế, đúc kết kinh nghiệm qua thực tiễn quá trình phát triển tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của Quốc hội Việt Nam các Khóa XIII, XIV, XV.
Dự kiến nội dung cuốn sách “Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập 5 (giai đoạn 2011 - 2026)” gồm Phần mở đầu, Phần nội dung, Phần kết luận, Phần phụ lục và Danh mục tài liệu tham khảo (dự kiến khoảng 1.000 trang), được biên soạn theo quá trình lịch sử gắn với hoạt động của từng nhiệm kỳ Quốc hội. Mỗi nhiệm kỳ tương ứng với nội dung một chương của cuốn sách.
Đến nay, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã phối hợp với Văn phòng Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu lập pháp, Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam xây dựng dự thảo Kế hoạch nghiên cứu, biên soạn và xuất bản sách “Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập 5”; phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xây dựng dự thảo Đề cương chi tiết cuốn sách; dự thảo các Nghị quyết thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Biên soạn và Tổ giúp việc biên soạn sách; dự toán kinh phí biên soạn sách.
Tại cuộc họp, các đại biểu đều cho rằng phải thống nhất quan điểm, phương pháp, cách thức biên soạn, trước mắt là sớm hoàn thiện và ban hành Kế hoạch nghiên cứu, biên soạn và xuất bản sách “Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập 5”, cụ thể nội dung từng tháng, giao trách nhiệm cụ thể cho cá nhân/đơn vị. Đây sẽ là cơ sở chính trị, pháp lý để triển khai. Về nội dung, mỗi chương cần có một chủ biên, cố gắng khắc họa những điểm nổi bật, đặc biệt là những đổi mới của nhiệm kỳ, qua đó làm nổi bật những đóng góp của Quốc hội với đất nước, với cử tri và nhân dân…
Nhấn mạnh thời gian hơn một năm (trước 6.2025 phải hoàn thành toàn bộ nội dung cuốn sách) không dài, trong khi khối lượng công việc rất lớn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu phải chuẩn bị kỹ kế hoạch, tính toán cách làm cẩn thận, thống nhất ngay từ đầu, chủ động trong triển khai.
Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh cũng lưu ý phần tổng kết 80 hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam là phần nội dung khó, yêu cầu rất lớn. Nội dung phần này phải khẳng định được vai trò của Quốc hội với bề dày truyền thống vẻ vang 80 năm không ngừng đổi mới và phát triển, hoạt động ngày càng dân chủ, hiệu lực, hiệu quả, đoàn kết, sáng tạo, hành động vì lợi ích của Nhân dân, vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Với vai trò là cơ quan chủ trì biên soạn sách “Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập 5 (giai đoạn 2011 - 2026)”, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh cũng khẳng định, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ phối hợp, đồng hành với các nhà sử học, kết nối với những cá nhân, đơn vị liên quan, tạo thuận lợi nhất để hoàn thành cuốn sách bảo đảm chất lượng nội dung và tiến độ.