Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, với lực lượng lao động đạt 53,2 triệu người, dự án Luật Việc làm có phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và tác động xã hội rất rộng lớn, được dư luận xã hội và các đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Tại kỳ họp thứ Tám, đại biểu Quốc hội đã thảo luận với những góc nhìn rất đa dạng, đa chiều không chỉ từ yêu cầu phúc đáp thực tiễn quản lý Nhà nước, quản trị xã hội mà cả yêu cầu của phát triển thể chế và hội nhập quốc tế trước ngưỡng cửa lịch sử cả dân tộc tiến bước vào kỷ nguyên vươn mình hướng tới giàu mạnh, thịnh vượng.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, chúng ta đang đi qua thời kỳ coi nguồn nhân lực dồi dào là lợi thế cạnh tranh. Để nền kinh tế có thể bứt tốc tăng trưởng 2 con số đòi hỏi cần có những giải pháp chính sách thiết thực để xử lý triệt để những hệ lụy của mô hình thâm dụng lao động như: khó thu hút đầu tư công nghệ cao, năng suất lao động và thu nhập thấp, việc làm thiếu ổn định, đời sống người lao động khó khăn, bấp bênh…
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu quan tâm đến một số nội dung cụ thể. Trong đó, thể chế hóa đầy đủ, đúng mức quan điểm, đường lối của Đảng về bảo đảm quyền làm việc - quyền cơ bản có tính hiến định của con người, tạo việc làm bền vững với thu nhập tương xứng cho người lao động, về hỗ trợ phát triển thị trường lao động, phát triển nguồn nhân lực, cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Về đăng ký lao động và xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động, cần quán triệt và thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đưa dữ liệu trở thành tư liệu sản xuất chính để cụ thể hóa vào các quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, tạo thuận lợi cho người đăng ký; chia sẻ, kết nối đồng bộ trong hệ cơ sở dữ liệu quốc gia; thiết lập nguyên tắc phân cấp, phân quyền khai thác, sử dụng dữ liệu; xây dựng, vận hành đồng bộ, hiệu quả hệ sinh thái dữ liệu thông tin thị trường lao động, bao gồm cả các trung tâm dữ liệu do Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư.

Bảo đảm tính khả thi của các quy chuẩn chuyên môn và điều kiện bảo đảm hoạt động đào tạo nghề tại doanh nghiệp; đa dạng hóa các loại hình đào tạo với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ; vấn đề đào tạo lại, đào tạo thường xuyên để nâng cao năng lực cho người lao động, đặc biệt là đối với các ngành nghề mới, công nghệ mới, kỹ năng mới và cả đối tượng mới.
Đổi mới mạnh mẽ chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống dịch vụ việc làm, tăng cường ứng dụng công nghệ vào việc thu thập thông tin, cung cấp dịch vụ cho người lao động và doanh nghiệp; kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo, hỗ trợ người lao động tiếp cận các chương trình đào tạo phù hợp; kết nối rộng rãi giữa các trung tâm việc làm tạo khả năng hỗ trợ người lao động tìm được việc làm ở nhiều nơi, cũng như để doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ khoán việc và cho thuê lại lao động.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị phải bảo đảm cải cách hành chính; bảo đảm sự tương thích, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và sự phù hợp với các cam kết, tiêu chuẩn về lao động, việc làm trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Tại hội thảo, các đại biểu tham gia ý kiến đều cho rằng dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong cùng lĩnh vực việc làm, lao động và an sinh xã hội và các lĩnh vực có liên quan.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đặng Thuần Phong phát biểu tại hội thảo
Các đại biểu cũng thảo luận về một số vấn đề như: chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài; chính sách việc làm công; đăng ký lao động, chức năng nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm; bổ sung nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về nước...
Tập trung thảo luận về các nội dung gợi ý của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, có ý kiến đề nghị, cần đưa cán bộ công chức vào tham gia bảo hiểm thất nghiệp vì chúng ta đang thực hiện tinh giảm biên chế và không còn khái niệm “công chức suốt đời”.
Cùng với đó, đề nghị giữ nguyên quy định cho phép người lao động tiếp tục đóng và hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp như hiện nay. Bởi, hiện nhiều người lao động dù đủ điều kiện hưởng lương hưu vẫn tiếp tục làm việc và tham gia các loại bảo hiểm; chưa kể một số trường hợp khi nghỉ việc sẽ nhận trợ cấp thất nghiệp trước, sau đó mới làm thủ tục nhận lương hưu.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Văn Thanh phát biểu tại hội thảo
Song, theo dự thảo Luật, người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ không được tiếp tục đóng bảo hiểm thất nghiệp, dù vẫn đóng bảo hiểm xã hội. Điều này dẫn đến việc khi nghỉ việc, họ không thể nhận bảo hiểm thất nghiệp do không có tháng lương cuối cùng có đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Về đăng ký lao động, đây là điểm mới so với Luật hiện hành. Nhiều ý kiến cho rằng, trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đăng ký và cập nhật thông tin lao động chưa được làm rõ; chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý nếu người sử dụng lao động không thực hiện đúng nghĩa vụ đăng ký hoặc cung cấp sai thông tin.
Do đó, cần bổ sung quy định buộc người sử dụng lao động phải chủ động đăng ký và cập nhật thông tin cho người lao động trong một thời gian cụ thể kể từ khi ký hợp đồng lao động.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, đại diện Ban soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Văn Thanh đã giải trình làm rõ các nội dung đại biểu đặt ra; khẳng định Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng cao nhất.

Các đại biểu tham dự hội thảo
Ghi nhận các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có giá trị rất lớn trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, Thường trực Ủy ban Văn hoá và Xã hội sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến để điều chỉnh phù hợp, nhằm hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong xu thế mới.