- Những năm vừa qua, báo chí đã tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp, vậy ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí đối với doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế hiện nay?
Báo chí có vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, được Đảng và Nhà nước đánh giá cao và dành cho vị trí quan tâm đặc biệt trong hệ thống chính trị của Việt Nam.
Về phát triển kinh tế, báo chí là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với doanh nghiệp. Báo chí truyền thông, phổ biến các quan điểm, chính sách phát triển của Đảng, luật pháp của Nhà nước đến cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân; mặt khác lại phản ánh nhanh nhất các tâm tư của doanh nhân, các vướng mắc của doanh nghiệp đến các cơ quan chức năng để giải quyết tháo gỡ. Rất nhiều sự việc, vướng mắc của doanh nghiệp đã được giải quyết qua con đường này, ví dụ như thuê nhà ở cho công nhân, trợ cấp phòng chống Covid-19, dãn thuế, giảm thuế trong và sau đại dịch hay gần đây nhất là việc lô khẩu trang 6 tháng không thông quan…
Trong bối cảnh toàn cầu hóa với nhiều hiệp định thương mại tự do FTA được ký kết thì việc các thông tin quốc tế được báo chí nêu kịp thời sẽ là nguồn thông tin vô cùng quý giá cho doanh nghiệp; ví dụ như các yêu cầu của nước xuất nhập khẩu, văn hóa tiêu dùng, chuẩn mực quốc tế, các yêu cầu về môi trường và lao động gắn với việc nhập khẩu hàng hóa, các tiêu chuẩn liêm chính trong hội nhập… sẽ là thông tin bổ ích để doanh nghiệp lựa chọn hướng đi, đưa ra các quyết sách hay chiến lược phù hợp với từng thời kỳ, từng thị trường với từng loại sản phẩm khác nhau.
- Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp ? Báo chí có góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp hay không?
Báo chí không chỉ là kênh hữu hiệu giúp quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp đến với công chúng, cộng đồng, liên kết các doanh nghiệp, các hiệp hội với nhau mà còn nêu lên các tấm gương tốt, câu chuyện tốt, cũng như các vấn đề cần tránh để doanh nghiệp phấn đấu, định vị mình và hướng tới trách nhiệm xã hội.
Tuân thủ pháp luật và đạo đức kinh doanh là 2 yếu tố không thể tách rời trong kinh doanh hiện đại. Nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp cũng là một trong những nhiệm vụ của báo chí, giúp nâng tầm doanh nghiệp Việt Nam sánh vai với doanh nghiệp các nước phát triển, sẵn sàng cho hội nhập, cạnh tranh bình đẳng ngay trên sân nhà và vươn ra thế giới.
Ngoài ra, đặc thù ở Việt Nam là phần lớn các doanh nghiệp tư nhân là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ. Có nhiều doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp không tham gia các hiệp hội nào nên mức độ hiểu biết về chính sách pháp luật của Nhà nước, về thông lệ quốc tế còn hạn chế. Việc kinh doanh tự phát của các doanh nghiệp này sẽ làm hạn chế tiềm năng của họ, nhất là khi doanh nghiệp chưa xây dựng được cho mình một văn hóa doanh nghiệp đủ mạnh thì tiếng nói với cộng đồng sẽ còn rất hạn chế, trách nhiệm xã hội cũng sẽ không được thể hiện. Vì thế báo chí sẽ là kênh thông tin gợi mở, truyền lửa và thay mặt họ để nói lên tiếng nói của họ, nguyện vọng của họ với Đảng và Nhà nước, với cộng đồng. Về khía cạnh này thì báo chí có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc định hướng phát triển của các doanh nghiệp sau này.
Với những doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc mới khởi nghiệp, có thể họ sẽ thiếu tự tin để bày tỏ mong muốn, nguyện vọng hay nêu những khó khăn cần tháo gỡ. Nếu báo chí hiểu được họ, nắm bắt tâm tư của họ, kịp thời phản ánh với Đảng, Nhà nước và xã hội thì đồng nghĩa với việc bảo trợ và đồng hành cho sự phát triển của doanh nghiệp. Sự liên kết này là rất quý giá cho tổ chức sản xuất kinh doanh..
- Ông có đề nghị gì để báo chí và doanh nghiệp trở thành người bạn đồng hành thân thiết, đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển chung của đất nước?
Báo chí hiểu, hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời doanh nghiệp cũng cần hỗ trợ lại báo chí để cả hai cùng song hành phát triển. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp cũng cần cởi mở với báo chí, minh bạch thông tin để báo chí hiểu doanh nghiệp nhanh hơn, sâu hơn. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm xã hội, phải có đạo đức kinh doanh gắn với tuân thủ pháp luật thì báo chí mới có thể truyền tải hình ảnh tốt cho doanh nghiệp đến với cộng đồng. Ngoài ra, để báo chí có thể nâng cấp môi trường làm việc, phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ phóng viên, nhân viên làm báo, doanh nghiệp cũng nên có kế hoạch liên kết, quảng bá như là hoạt động marketing chuyên nghiệp để gắn kết hai bên. Lợi ích là phải song trùng.
Báo chí đã đóng vai trò tích cực trong phòng chống tham nhũng, đấu tranh với hàng gian, hàng giả, kinh doanh trái pháp luật. Điều này đã giúp tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp, giúp cho các doanh nghiệp phát triển ổn định trong nền kinh tế ngày càng trong sạch. Đây là điều kiện cần để Việt Nam hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những hạt sạn, những phiền toái cho doanh nghiệp do báo chí gây ra. Vẫn còn những hiện tượng nhũng nhiễu, ép buộc hay thông tin không khách quan, trung thực làm ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động của doanh nghiệp. Vấn đề này cũng cần được chấn chỉnh. Báo chí cũng cần phải hoạt động theo pháp luật và đề cao “tâm, đức nghề báo”. Có như thế thì báo chí mới hỗ trợ được nhiều hơn cho doanh nghiệp và doanh nghiệp mới có thể tin cậy nhiều hơn vào báo chí, tạo tiền đề để hai bên cùng song hành, mang lại lợi ích cho nhau và phấn đấu cùng đạt mục tiêu chung mà Đảng đã vạch ra và toàn dân mong mỏi: vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, công bằng, dân chủ và văn minh!
- Xin cảm ơn ông!