Bước nhượng bộ quan trọng
Trong một quyết định bất ngờ ngày 21.7, Tòa án Tối cao Bangladesh đã chấp nhận cắt giảm hạn ngạch việc làm ở khu vực công xuống còn 7%. Trong số đó, 5% là dành cho con cháu của “các cựu chiến binh tự do”; 1% dành cho người dân tộc thiểu số, khu vực vùng sâu vùng xa; 1% dành cho người chuyển giới và người khuyết tật. Còn 93% việc làm còn lại sẽ được lựa chọn dựa trên thành tích và năng lực.
Theo hệ thống hạn ngạch hiện tại, 56% công việc nhà nước tại Bangladesh được phân bổ theo nhiều hạn mức khác nhau, bao gồm: 30% dành riêng cho người thân của những “cựu chiến binh tự do” tham gia cuộc chiến giành độc lập khỏi Pakistan năm 1971; 10% cho phụ nữ, 10% cho người dân ở các huyện kém phát triển, 5% cho cộng đồng bộ lạc và 1% cho người khuyết tật, người thuộc giới tính thứ ba.
Vì việc làm ở khu vực công gắn liền với tính ổn định và đem lại mức lương cao hơn nên hệ thống hạn ngạch đã khiến người dân phẫn nộ, đặc biệt là sinh viên và người trẻ, trong bối cảnh Bangladesh đang đối mặt tỷ lệ thất nghiệp cao, với gần 32 triệu trong tổng dân số 170 triệu người không có việc làm hoặc không được tiếp cận môi trường giáo dục, chiếm gần 20% dân số. Các sinh viên cho rằng, hạn ngạch này có lợi cho các đồng minh của đảng Liên đoàn Awami cầm quyền, đảng dẫn đầu phong trào giành độc lập khỏi Pakistan.
Năm 2018, hệ thống hạn ngạch công chức đã bị bãi bỏ sau các cuộc biểu tình tương tự. Tuy nhiên, hồi tháng 6 vừa qua, Tòa án Tối cao Bangladesh đã khôi phục lại với phán quyết cho rằng việc bãi bỏ hạn ngạch là vi Hiến. Trong bối cảnh tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tăng cao, việc tái áp dụng chế độ hạn ngạch khiến những sinh viên mới tốt nghiệp đối mặt với cuộc khủng hoảng việc làm nghiêm trọng.
Sự việc này đã dẫn đến các cuộc biểu tình quy mô lớn của giới sinh viên nhằm bày tỏ sự phản đối. Các cuộc biểu tình nhanh chóng biến thành bạo lực, khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương, buộc nhà chức trách phải tuyên bố đóng cửa vô thời hạn tất cả các trường đại học công và tư từ ngày 17.7.
Tháng này, bà Hasina đã làm gia tăng căng thẳng khi ví những người biểu tình với những người Bangladesh đã hợp tác với Pakistan trong cuộc chiến giành độc lập của đất nước này.
"Thay vì cố gắng giải quyết những bất bình của người biểu tình, hành động của chính phủ đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn", Giám đốc khu vực châu Á của Crisis Group, Pierre Prakash nói với AFP.
Động thái nhượng bộ của Tòa án Tối cao Bangladesh được kỳ vọng sẽ giúp xoa dịu làn sóng biểu tình. Tổng chưởng lý Bangladesh AM Amin Uddin kỳ vọng mọi chuyện sẽ trở lại bình thường sau phán quyết của tòa án, đồng thời lưu ý rằng: “Chính phủ sẽ có hành động nghiêm khắc đối với những đối tượng có hành động quá khích”.
Chưa đủ để xoa dịu
Tuy nhiên, phán quyết trên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của người biểu tình. Họ cho rằng, phần hạn ngạch dành riêng nhóm "chiến binh tự do" là một điểm gây tranh cãi, khi những người chỉ trích cho rằng nhóm này được dùng để sắp xếp các công việc công cho những người trung thành với Đảng Liên đoàn Awami cầm quyền của Thủ tướng Hasina. Sinh viên đã kêu gọi bãi bỏ hoàn toàn hạng mục đó, cùng với các hạn ngạch khác dành cho phụ nữ và các quận cụ thể của đất nước.
Các nhóm sinh viên chịu trách nhiệm tổ chức các cuộc biểu tình đã hoan nghênh quyết định của Tòa án Tối cao nhưng thông báo vẫn tiếp tục biểu tình cho đến khi các yêu cầu chính của họ được đáp ứng, bao gồm việc thả những người đang bị bỏ tù và các quan chức chịu trách nhiệm về vụ bạo lực từ chức.
"Chúng tôi hoan nghênh phán quyết của Tòa án Tối cao", một phát ngôn viên của tổ chức Sinh viên Chống Phân biệt đối xử, nhóm chính chịu trách nhiệm tổ chức các cuộc biểu tình, nói. "Nhưng chúng tôi sẽ không ngừng biểu tình cho đến khi chính phủ ban hành sắc lệnh đáp ứng yêu cầu của chúng tôi”.
Cuộc biểu tình nhằm phản đối hạn ngạch việc làm trong khu vực công là thử thách mới nhất đối với nhiệm kỳ thứ tư của Thủ tướng Hasina. 76 tuổi, bà đã lãnh đạo đất nước kể từ năm 2009 và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử thứ tư liên tiếp vào tháng 1 vừa qua. Vẫn chưa biết liệu sự nhượng bộ của tòa án có xoa dịu được cơn phẫn nộ của công chúng hay không.
"Vấn đề không còn là quyền của sinh viên nữa", chủ doanh nghiệp Hasibul Sheikh, 24 tuổi, nói với AFP tại hiện trường cuộc biểu tình trên đường phố diễn ra vào thứ Bảy tại thủ đô Dhaka bất chấp lệnh giới nghiêm toàn quốc. “Yêu cầu của chúng tôi bây giờ chỉ có một điểm, đó là chính phủ phải từ chức”.
Ban bố lệnh giới nghiêm
Trước khi có phán quyết của Tòa án Tối cao, Bangladesh đã gia hạn lệnh giới nghiêm được áp dụng vào ngày 19.7 để nỗ lực dập tắt tình trạng bạo lực và triển khai quân đội tuần tra trên đường phố thủ đô Dhaka.
Truyền thông địa phương cho biết, lệnh giới nghiêm đã được gia hạn cho đến sau phiên điều trần của tòa án và sẽ tiếp tục có hiệu lực trong “thời gian chưa xác định”. Dịch vụ di động và internet tại Bangladesh dường như vẫn chưa được khôi phục sau lệnh cắt điện của chính phủ. Tính đến ngày 20.7, hoạt động internet tại quốc gia này ở mức khoảng 10% trong hơn 48 giờ kể từ khi dịch vụ bị cắt 2 ngày trước đó, theo trang web giám sát internet NetBlocks.
Kể từ tuần trước, các trường đại học vẫn đóng cửa và Bangladesh bị cắt đứt với thế giới bên ngoài do lệnh phong tỏa liên lạc. Bạo lực tiếp tục leo thang khi cảnh sát sử dụng hơi cay, bắn đạn cao su và ném lựu đạn khói để giải tán những người biểu tình.
Nhiều nước khuyến cáo công dân
Bên cạnh khuyến cáo công dân không đến Bangladesh, giới chức Đức đồng thời cảnh báo việc Bangladesh có thể ban hành thêm các lệnh kiểm soát, hạn chế tiếp cận iternet và dữ liệu di động.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nâng mức cảnh báo đi lại tới Bangladesh lên cấp độ 4, kêu gọi người dân không đến quốc gia Nam Á này. Thông báo nêu rõ: "Du khách không nên đến Bangladesh do bất ổn dân sự đang xảy ra tại Dhaka. Các cuộc biểu tình và đụng độ bạo lực đã được báo cáo tại thành phố Dhaka, các khu vực lân cận và trên khắp Bangladesh". Cũng theo thông báo trên, Bộ Ngoại giao Mỹ cho phép các nhân viên chính phủ không thuộc diện khẩn cấp cùng gia đình có thể rời Bangladesh để tránh đối mặt với tình huống nguy hiểm.