Nghiêm túc rút kinh nghiệm
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, việc triển khai, giải quyết chính sách được Chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan, địa phương thực hiện, tổ chức kịp thời, nhanh chóng, đa dạng mà cơ quan nòng cốt là BHXH ở các địa phương. Việc thực hiện chi trả cho gần 13 triệu người lao động với số tiền trên 30.800 tỷ đồng là nỗ lực, cố gắng rất lớn.
Tuy nhiên, tính đến hết ngày 31.12.2021, vẫn còn 414 nghìn lao động đã đề nghị hưởng đúng quy định nhưng chưa được hỗ trợ, với số tiền dự kiến còn phải thực hiện là khoảng 1.155 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 119 nghìn người đã được giải quyết hưởng hỗ trợ với số tiền hơn 336 tỷ đồng nhưng chưa chi trả được. Nguyên nhân là do người lao động kê khai sai thông tin số tài khoản không liên lạc được, hoặc vì lý do bất khả kháng họ chưa đến nhận hỗ trợ.
BHXH Việt Nam cũng tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ của 295.107 người thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ nhưng chưa giải quyết với số tiền dự kiến là gần 819 tỷ đồng. Trong đó, có 33.965 người lao động (đang tham gia tại đơn vị không phải sự nghiệp công lập, lao động đã dừng tham gia do chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc,...) đủ điều kiện và đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng hỗ trợ đúng thời hạn quy định với số tiền dự kiến là 73 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có 261.142 lao động đang tham gia BHTN tại các đơn vị sự nghiệp công lập đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng hỗ trợ, nhưng chưa được giải quyết với số tiền dự kiến trên 745 tỷ đồng.
Theo lý giải của BHXH Việt Nam, đây là các trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ vào những ngày cuối cùng của thời hạn theo quy định, có diễn biến quá trình đóng BHTN phức tạp; thông tin về quá trình đóng BHTN; nhân thân của người lao động còn chưa chính xác, do đó việc xác định đúng người, đúng mức hưởng chỉ hoàn thành sau ngày 31.12.2021 nên chưa chi trả cho các trường hợp này...
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đã nhận định, Nghị quyết số 03 là chính sách hỗ trợ trên diện rộng, trực tiếp, thiết thực, kịp thời, đúng thời điểm. Việc chưa chi trả đối với những trường hợp đã được xét duyệt và những lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đã nộp hồ sơ đúng hạn theo hướng dẫn nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt làm giảm ý nghĩa của chính sách.
Khẳng định những vướng mắc trong việc triển khai chính sách không phải lỗi từ phía người lao động, thời điểm đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị, các cơ quan liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm để làm tốt hơn công tác theo dõi, quản lý danh sách, cơ sở dữ liệu, công tác dự báo và kết nối thông. Bởi nguyên nhân chủ quan dẫn tới chậm trễ là do chưa đánh giá tác động đầy đủ khi xây dựng chính sách.
Kịp thời tháo gỡ vướng mắc
Để tiếp tục thực hiện hỗ trợ đối với các trường hợp người lao động đã đề nghị hưởng đúng thời hạn quy định; với đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 (ngày 11.8.2022) về sử dụng khoảng 1.155 tỷ đồng từ kết dư Quỹ BHTN đến hết năm 2021, để tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động thuộc đối tượng hưởng theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 đã nộp hồ sơ đúng thời hạn.
Đến hết ngày 31.12.2022, cơ quan BHXH đã thực hiện chi hỗ trợ trực tiếp bằng tiền từ quỹ BHTN theo Nghị quyết số 03/2021 và Nghị quyết 24/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho trên 13,3 triệu lượt người lao động, với số tiền 31.836 tỷ đồng.
Ông Đào Duy Hiện, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, thời gian chi trả ngắn (1 tháng) nhưng nhờ có hệ thống cơ sở dữ liệu, kết hợp với việc nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người lao động, đơn vị sử dụng lao động từ tháng 12.2021, nên cơ quan BHXH đã có thời gian rà soát, đối chiếu với quy định đối tượng được hỗ trợ tại Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15. Vì vậy, đã bảo đảm được tính minh bạch, hiệu quả, chính xác đối tượng thụ hưởng cũng như số tiền chi trả; không để xảy ra hiện tượng lạm dụng chính sách, phiền nhiễu hay tiêu cực trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Lãnh đạo BHXH Việt Nam khẳng định, cùng với Nghị quyết 03/2021, Nghị quyết 24/2022 tiếp tục khẳng định sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc hỗ trợ kịp thời, trực tiếp, thiết thực đối với người lao động, doanh nghiệp tham gia BHTN; góp phần tạo sự đồng thuận và củng cố niềm tin của người lao động vào chính sách BHTN, cho thấy lợi ích của việc tham gia BHTN là “giá đỡ cho người lao động gặp khó khăn”.