Điều chỉnh linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội. Theo đó, khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 90%.
Đánh giá về việc hiện nay, quy định cố định mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động và người sử dụng lao động và phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, cũng như việc quy định đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định hiện hành. Theo các chuyên gia, như vậy là chưa bao phủ hết tất cả đối tượng có quan hệ lao động.
Mặt khác, chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự gắn với thị trường lao động, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến giải pháp phòng ngừa thất nghiệp…
Thực tế này đã làm cho chính sách bảo hiểm thất nghiệp với vai trò là công cụ quản trị thị trường lao động chưa thực sự đảm bảo tính “linh hoạt”, nhất là trước các “cú sốc” như thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng, suy thoái kinh tế.

Chính vì sự bất cập trên, việc rà soát sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định mức đóng bảo hiểm thất nghiệp để hoàn thiện vai trò quản trị của chính sách bảo hiểm thất nghiệp và hướng tới mục tiêu đảm bảo cân bằng quỹ chủ động ứng phó với những biến động của kinh tế - xã hội, thiên nhiên mang lại là việc làm cần thiết để đảm bảo chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động.
Theo đó, cơ quan soạn thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã đưa ra giải pháp sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng: người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng. Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm (Điều 58).
Đồng thời, quy định giao Chính phủ căn cứ vào khả năng bảo đảm cân đối Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp quy định chi tiết mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (Điều 58).
Tăng cường các chế độ hỗ trợ người lao động
Với việc sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng trên sẽ giúp Nhà nước giảm được gánh nặng khi phải bố trí nguồn lực để hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động trước các “cú sốc” như khủng hoảng thị trường, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh. Linh hoạt trong quản lý, điều hành, phát huy vai trò là công cụ quản trị thị trường lao động của chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Cùng với đó, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) giao Chính phủ căn cứ vào khả năng bảo đảm cân đối Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp quy định chi tiết mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động khi quỹ kết dư lớn, nhất là trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, suy thoái.
Do đó, trong thực tế nếu có phát sinh nội dung này sẽ được đánh giá khi trình Chính phủ. Trong khi, đối với người sử dụng lao động sẽ được hỗ trợ trong việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp, giảm chi phí đóng bảo hiểm thất nghiệp ở những điều kiện cụ thể khi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được điều chỉnh linh hoạt.
Đối với người lao động sẽ được hỗ trợ trong việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp, giảm chi phí đóng bảo hiểm thất nghiệp trong những điều kiện cụ thể khi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được điều chỉnh linh hoạt.
Theo đó, với việc sửa đổi theo hướng trên cũng sẽ giúp nâng cao vai trò quản lý, ứng phó của nhà nước trong thị trường lao động, việc làm. Từ đó, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường các chế độ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, nhất là trong các bối cảnh đặc biệt.
Đồng thời, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc duy trì và ổn định kinh doanh trong các bối cảnh đặc biệt. Bên cạnh đó, việc chi phí đóng bảo hiểm thất nghiệp được điều chỉnh linh hoạt giúp người sử dụng lao động ổn định trong hoạt động sản xuất kinh doanh góp phần duy trì việc làm cho người lao động.
Việc sửa đổi theo hướng trên cũng giúp thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển thị trường lao động; phù hợp các quy định liên quan tại Luật Bảo hiểm xã hội 2024; bảo đảm khả năng thi hành và tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; đồng thời bảo đảm khả năng thi hành và tuân thủ của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế đã phê chuẩn.