"Phiên chợ" giáo dục STEM
Em Nguyễn Gia Bách, học sinh lớp 8C trường Trung học cơ sở Thị trấn Na Hang cho biết rất hồi hộp và háo hức khi đội của em đại diện cho các học sinh trường cấp 1, 2 dự thi. Em đã dành rất nhiều công sức để tập dượt, thử nghiệm cho buổi trình diễn Robot VEX IQ của Mỹ tại Ngày hội.
"Từ lâu, chúng em đã mơ ước có một sân chơi lớn để thể hiện khả năng của bản thân, các đội thi cũng mong muốn có món quà nho nhỏ từ chương trình, đây là món quà dành tặng bố mẹ và thầy cô trong trường. Hôm nay, chúng em đã làm được!" - Nguyễn Gia Bách Vui mừng nói.
Không chỉ những học sinh đạt kết quả cao trong cuộc thi mà ngay cả những bạn chưa có giải cũng hào hứng muốn có nhiều hơn những ngày hội như vậy để các em có cơ hội phát huy và học hỏi kiến thức.
Chia sẻ tại Ngày hội STEM Na Hang diễn ra hôm 18.11, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Na Hang Tô Viết Hiệp cho biết, giáo dục STEM giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn để sáng tạo ra những sản phẩm khoa học có tính ứng dụng cao. Thay vì đọc và ghi nhớ kiến thức một cách máy móc trong các giờ học lý thuyết, học sinh đã được trực tiếp tìm hiểu, nghiên cứu và thực hiện về một vấn đề cụ thể.
"Khi bắt tay vào làm các sản phẩm STEM, học sinh sẽ hiểu rằng, cái đích cuối cùng của khoa học chính là chế tạo ra các sản phẩm phục vụ cho cuộc sống. Từ đó, STEM mang đến cho học sinh sự đam mê khoa học, say mê, thúc đẩy sự sáng tạo không ngừng từ học sinh - những người trẻ tuổi có khả năng sáng tạo độc đáo" - ông Tô Viết Hiệp nhấn mạnh.
Không phải ngẫu nhiên, STEM luôn được các bạn trẻ khắp nơi từ thành phố đến vùng sâu chào đón, say sưa khám phá. Bởi trên thực tế, bên cạnh việc cung cấp và giúp học sinh nắm chắc kiến thức, giáo dục STEM nhấn mạnh việc xây dựng kỹ năng và sử dụng kỹ năng trong thực tế đời sống. Thay vì phải học 4 môn (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế. Qua đó, học sinh vừa học được kiến thức khoa học, vừa học được cách vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn. Đây chính là xu thế giáo dục hiện đại của các nước phát triển, đồng thời là cách giúp học sinh tiếp cận với cuộc cách mạng khoa học 4.0.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Kỹ sư Đỗ Hoàng Sơn - đại diện Liên minh STEM Việt Nam, Ban tổ chức Ngày hội STEM Quốc gia 2023 cho biết, Ngày hội STEM Na Hang chính là khởi đầu cho văn hóa STEM đồng hành cùng văn hóa đồng bào dân tộc vùng cao. Cũng như văn hóa phiên chợ vùng cao, ở đây "phiên chợ giáo dục STEM" có tác dụng đổi mới văn hóa trong công tác dạy và học, trong tổ chức cộng đồng học tập, hệ sinh thái trên quy mô lớn. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng của chương trình đổi mới giáo dục phổ thông.
Những người "Thầy" đặc biệt
Trong bối cảnh hiện tại, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và giải pháp trực tiếp để nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh. Việc phát huy và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trở thành một thành tố không thể thiếu của công cuộc phát triển. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội đối với lực lượng lao động trẻ.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định 3 đột phá chiến lược trong phát triển bền vững đất nước là thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng. Trong đó, nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính là một giải pháp then chốt để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công.
Trên tinh thần đó, giáo dục STEM với triết lý bồi dưỡng kiến thức liên môn, liên ngành, truyền tải kiến thức một cách khoa học và trực quan có thể coi là một cách tiếp cận lý tưởng để nâng cao tri thức, đổi mới tư duy của người trẻ.
Cô giáo Đào Thị Hồng Quyên - Trưởng bộ môn khoa học Trường Genesis - người đạt giải thưởng "Toả sáng sức mạnh tri thức" của UNICEF chia sẻ, trong tương lai sẽ có nhiều ngành nghề mới xuất hiện và sẽ rất khác biệt với các ngành nghề truyền thống. Vì vậy, thế hệ trẻ cần chuẩn bị đầy đủ hành trang, đặc biệt là năng lực sáng tạo, tư duy logic và mạnh dạn thay đổi, tiếp cận cái mới để sẵn sàng thích ứng, bắt kịp với công cuộc hiện đại hoá, chuyển đổi số thời đại 4.0.
Kỹ sư Đỗ Hoàng Sơn cho biết thêm, trái với những nhận định trước đây khi tiến hành đổi mới giáo dục, việc triển khai STEM vùng cao trên thực tế lại có nhiều thuận lợi. Vì ở vùng cao, chúng ta đã có sẵn "5 người thầy" mà học sinh ở những thành phố lớn không có được.
Theo đó, người thầy thứ nhất chính là thiên nhiên. Người thầy thứ hai là "Phó giáo sư khó khăn" - khó khăn làm cho chúng ta trưởng thành. Người thầy thứ ba là "gia sư lao động" và người thầy thứ tư chính là "văn hóa cộng đồng" - sức mạnh tinh thần, trí tuệ của cha ông để lại. Người thầy thứ năm là "người thầy của thời đại" - internet và chuyển đổi số.
"Tuy nhiên, để tận dụng được lợi thế sẵn có, chúng ta phải tạo ra người thầy thứ sáu chính là "hệ sinh thái, giáo dục STEM", cộng đồng giáo viên đã được đào tạo cùng kết nối, chia sẻ, lan toả kiến thức" - Kỹ sư Đỗ Hoàng Sơn cho hay.
STEM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học). Giáo dục STEAM là khái niệm dạy học liên ngành kết hợp giữa nghệ thuật với các môn học STEM truyền thống là khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.