Lợi tiền tỷ nhờ sản xuất sạch
Từng được xem là “thủ phủ” khói bụi và ô nhiễm, nhưng theo Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi, hiện địa phương đã có gần 1.000 hộ sử dụng lò nung gốm bằng khí gas hóa lỏng (LPG).
Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cũng chia sẻ, có được thành quả trên là cả một quá trình nỗ lực quyết tâm rất lớn từ chính quyền cũng như người dân trong xã. Quá trình chuyển đổi sản xuất sang hướng bền vững, xanh hóa được bắt đầu sau khi Việt Nam mở cửa, kinh tế tư nhân phát triển, mô hình sản xuất hộ gia đình tại làng Bát Tràng nhân rộng và cũng là thời kỳ gốm Bát Tràng xuất khẩu đi nhiều quốc gia. Đặc biệt, giai đoạn 1986 đến 2005, làng gốm Bát Tràng đã phát triển khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, do dùng phương pháp thủ công là lò than để nung gốm, mỗi mẻ nung liên tục trong 3-5 ngày liền, vì thế lượng khí thải phát tán ra môi trường là rất lớn; trung bình mỗi mẻ nung gốm bằng than thải ra khoảng 2,5 tấn chất thải rắn. Hệ quả là gây ô nhiễm môi trường sống rất nghiêm trọng, số người bị bệnh nghề nghiệp luôn có xu hướng gia tăng.
“Trung bình mỗi một hộ gia đình sử dụng từ 7 đến 8 tấn than và gần 1 tấn củi trong một tuần. Trong khi đó, toàn xã có tới gần 300 hộ dân tham gia sản xuất. Con số này cho chúng ta thấy những hệ lụy rất lớn cho môi trường. Thời điểm ấy, chúng tôi đã từng nói vui với nhau rằng, Bát Tràng như được khoác “áo ấm” vì nhiệt độ trong xã thường nóng hơn so với xã bạn”, ông Khôi chia sẻ.
Sản xuất thủ công gây ô nhiễm môi trường cũng như chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng, hiệu quả kinh tế thấp do nhiệt độ đốt lò nung bằng than củi không đảm bảo. Đứng trước tình thế này, Bát Tràng đã quyết tâm thực hiện những giải pháp đề ra để cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường. Và cơ hội đến khi thành phố Hà Nội có chủ trương xây dựng làng nghề kiểu mẫu gắn với khai thác du lịch. Cùng với làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), Bát Tràng là làng nghề được lựa chọn đầu tư. Cùng với chủ trương của thành phố, thời điểm đó Bát Tràng triển khai dự án do Thụy Điển hỗ trợ vốn, nắm bắt cơ hội này Bát Tràng đã thực hiện thí điểm với 10 hộ gia đình sản xuất quy mô lớn.
Theo đó, 10 hộ dân này đã được hỗ trợ vay vốn để chuyển đổi từ lò nung đốt than củi sang lò nung đốt bằng Gas. Chi phí xây lò nung đốt bằng Gas khoảng 600 triệu đồng, mỗi hộ được vay từ 300 đến 400 triệu với lãi suất ưu đãi. Điều đáng mừng là sau khi chuyển đổi, ở mẻ lò nung đầu tiên các hộ dân đã thắng lớn vì sản phẩm ra lò đạt trên 90% là loại 1, tiết kiệm được 30% tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên một đơn vị sản phẩm và lợi nhuận cũng tăng lên gấp 2-3 lần so với trước. Đặc biệt, đã loại bỏ được 100% chất thải rắn, khói bụi, giảm 60% sức lao động trong môi trường độc hại”, ông Khôi cho biết.
Sản xuất bền vững
Phản ánh từ các hộ dân sản xuất cho biết, so với các loại hình lò truyền thống, việc xây cất một chiếc lò Gas sẽ có giá thành cao hơn rất nhiều lần, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn, giảm sức người, giảm thời gian và đặc biệt là cải thiện được môi trường rõ rệt. "Giờ đây, mọi người có thể hít thở, tận hưởng không khí trong lành tại Bát Tràng mà không phải lo khói bụi nữa. Với kiểu lò nung mới này, mỗi mẻ gốm chỉ nung hết 15-20 giờ, tự động hóa, vận hành dễ dàng, kiểm soát nhiệt từ xa”, ông Trần Đức Tân, Nghệ nhân ưu tú làng gốm Bát Tràng chia sẻ.
Là người gắn bó tâm huyết với nghề gốm, ông Tân cho biết, trước đây người dân làng nghề sử dụng lò nung truyền thống như: Lò ếch, lò bát đàn, lò bầu… với nguyên liệu nung đốt là củi và than; mỗi mẻ gốm phải nung liên tục từ 6-8 ngày. "Người lao động phải làm việc hết sức nặng nhọc trong môi trường khói bụi, nóng bức. Không những thế, thời điểm đó, đi đến đầu làng Bát Tràng là đã thấy lấm lem bụi than, rất mất mỹ quan, kèm theo đó là mùi khói lò nồng nặc. Điều đáng nói là tỷ lệ thành phẩm đạt tiêu chuẩn khi ra lò rất thấp, chất lượng sản phẩm nhiều mẻ không được như mong muốn", ông Tân nói.
Cũng theo ông Tân, từ khi chuyển đổi công nghệ, thu nhập người dân làm nghề tăng trưởng rõ rệt. Các đơn hàng nhiều hơn vì chất lượng ngày càng cải thiện và đáp ứng yêu cầu. Điều đáng mừng là giờ người dân làm gốm không chỉ tạo ra những sản phẩm duy trì làng nghề truyền thống mà đã biết làm dịch vụ thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Huy Khôi cũng khẳng định, trong những năm gần đây, lượng khách đến Bát Tràng tham quan, mua bán ước khoảng 200.000 lượt khách/năm. Trong đó, khách quốc tế chiếm khoảng 10%; học sinh, sinh viên và thanh niên chiếm khoảng 40%. Đặc biệt, vào mùa cao điểm có ngày Bát Tràng đón gần 10.000 lượt khách đến tham quan… Cũng theo ông Khôi, nhờ phát triển đồng bộ giữa lưu giữ nghề truyền thống kết hợp khai thác dịch vụ du lịch, nên tổng giá trị doanh thu Bát Tràng ước đạt từ 1.500 tỷ đến 2.000 tỷ đồng. Hàng năm, Bát Tràng giải quyết việc làm cho 5.000 lao động trong và ngoài địa phương. Năm 2020, Bát Tràng đã đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến cuối năm 2023, Bát Tràng sẽ hoàn thiện tiêu chí nông thôn kiểu mẫu.
Có thể thấy, việc Bát Tràng trở thành điểm du lịch đã và sẽ thu hút sự quan tâm, đầu tư của các tổ chức, cá nhân cũng như doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất cũng như du lịch nơi đây theo hướng bền vững, vừa bảo tồn, phát triển những giá trị của làng nghề truyền thống, vừa bảo vệ được môi trường sống xanh, sạch, hiện đại.
Bát Tràng đã áp dụng các ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch thông minh theo đúng xu hướng hiện đại, thực hiện chỉnh trang đường phố, xây dựng nhà tiếp đón, hướng dẫn du khách; tạo những không gian đậm chất văn hóa thu hút giới trẻ “check in”. Đây được xem là mô hình kiểu mẫu cho các làng nghề hướng đến trong quá trình phát triển làng nghề bền vững gắn với bảo vệ môi trường.