Cuộc bầu cử tổng thống vòng 2 tại Argentina diễn ra ngày 19.11 vừa qua được dư luận và giới quan sát đánh giá là sẽ có kết quả sít sao và khó dự đoán nhất đã gây bất ngờ lớn với việc ứng cử viên của đảng Tự do Javier Milei giành thắng lợi với cách biệt lớn so với ứng cử viên Sergio Massa của liên minh cầm quyền với tỉ lệ 56% và 44% số phiếu. Tuy nhiên, có thể thấy thất bại của liên minh cầm quyền gần như đã được dự báo trước từ sau khi họ mất đa số tại cả hai viện quốc hội tại cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2021 do những hạn chế trong chính sách kinh tế cũng như trong chống dịch Covid-19.
Thất bại của liên minh cầm quyền Argentina, một lần nữa khẳng định một quy luật bất thành văn tại các nước Mỹ la tinh trong 45 năm qua là không một chính phủ nào để lạm phát trên mức 40% một năm có thể giành thắng lợi trong bầu cử trừ trường hợp của Tổng thống Brasil Cardoso năm 1999 (lạm phát ở Argentina tính đến tháng 11.2023 đã là 150%).
Thắng lợi của ông Milei đem lại nhiều hy vọng và cả lo ngại cho cả người dân Argentina cũng như các nước quan tâm trên thế giới vì những tuyên bố tranh cử mang tính cực đoan của ông cả về đối nội và đối ngoại. Mặc dù vậy, cũng như nhiều chính khách khác, sẽ có sự điều chỉnh giữa tuyên bố tranh cử và chính sách triển khai sau khi thắng cử để phù hợp với tương quan lực lượng chính trị nôi bộ cũng như vị trí và vai trò của Argentina trên quốc tế.
Về đối nội, Tổng thống đắc cử sẽ phải cân bằng lợi ích giữa các nhóm ủng hộ ông, trong đó có liên minh trung tả do cựu Tổng thống Macri đóng vai trò chủ chốt. Tại cuộc bầu cử tổng thống vòng 1 ngày 22 tháng 10 vừa qua, ông Milei chỉ đạt được 30% số phiếu bầu so với 37% của ông Massa và 24% của bà Bullrich, ứng củ viên trung hữu. Vì thế trong thắng lợi 56% tại vòng hai có phần đóng góp rất quan trọng của lực lượng trung hữu. Có lẽ do vậy, ông Milei đã tỏ thận trọng trong việc bổ nhiệm nội các mới và chưa bổ nhiệm Bộ trưởng kinh tế, một vị trí rất quan trọng trong hoạch định chính sách của chính phủ mới.
Nhiều nguồn thạo tin cho rằng, ông Federico Sturzenegger, cựu thống đốc ngân hàng Trung ương dưới thời Tổng thống Macri sẽ đảm nhiệm vị trí này. Ông Milei cũng đã bổ nhiệm Thống đốc ngân hàng Trung ương mới, một động thái cho thấy tuyên bố tranh cử về việc xóa bỏ ngân hàng này ít nhất sẽ chưa thực hiện trong thời gian trước mắt.
Không chỉ có vậy, đảng tự do của ông Milei chỉ chiếm thiểu số trong cả hai viện của quốc hội và cộng thêm cả sự ủng hộ của các nghị sĩ trung hữu cũng không vượt quá bán để thông qua các đạo luật quan trọng. Do đó, Tổng thống mới sẽ cần điều chỉnh các chính sách theo hướng ôn hòa hơn để giành được sự ủng hộ rộng rãi trong việc thông qua và triển khai các đạo luật mới, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả các lĩnh vực quan trọng khác như an sinh, an toàn xã hội.
Về đối ngoại, ông Milei đã nhanh chóng nhận được điện chúc mừng của lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới, và đã lên kế hoạch đi thăm một số nước và danh sách khách mời dự lễ nhậm chức ngày 10.12 tới. Với nền kinh tế đang ở giai đoạn hết sức khó khăn do lạm phát cao, không tiếp cận được nguồn vốn nước ngoài trừ IMF và Trung Quốc, chính phủ mới chủ trương mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ hơn chính phủ trước. Vì vậy nhưng tuyên bố tiêu cực về quan hệ với hai bạn hàng lớn nhất của Argentina là Trung quốc và Brasil sẽ có những điều chỉnh và tuyên bố để các công ty tư nhân tự do tiếp tục làm ăn với hai nước này là một biểu hiện cụ thể.
Tương tự như vậy, sẽ khó có khả năng Argentina rút khỏi khối kinh tế Mercosur nhất là Tổng thống hai nước thành viên của khối là Uruguay và Paraguay cũng theo cánh hữu và là những người đầu tiên gọi điện chúc mừng ông Milei. Tuy nhiên, khó có khả năng ông sẽ rút lại tất cả các tuyên bố tranh cử của mình, nhất là trong các vấn đề không thật sự thiết thân với Argentina như việc tham gia vào BRICS hay tăng cường ủng hộ Ucraina.
Có thể thấy, Chính phủ của ông Milei đứng trước ba khó khăn lớn sau khi thắng cử: Nền kinh tế đứng trước bờ vực khủng hoảng, họ có ít kinh nghiệm chính trường và ít sự ủng hộ tại nghị viện nhưng họ có một thuận lợi lớn là cử tri Argentina ngày nay hiểu rõ hơn cần có sự thay đổi sâu rộng. Liệu chính phủ mới có tận dụng được thời cơ và vượt qua thách thức hay không vẫn là một câu hỏi còn để ngỏ.