Những động thái trên là nỗ lực của chính phủ Argentina nhằm xoa dịu thị trường sau chiến thắng bất ngờ của hạ nghị sĩ Javier Milei khi ông giành được tỷ lệ phiếu bầu lớn nhất trong cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ với trên 30% số phiếu, vượt xa dự đoán. Chứng khoán Argentina và trái phiếu chính phủ bằng đồng USD của nước này cũng giảm giá trị vào ngày 14.8.
Kết quả cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ cho thấy, với 75% số phiếu được kiểm, hạ nghị sĩ Javier Milei đang dẫn trước với 31,4% số phiếu bầu. Tiếp theo là Bộ trưởng Kinh tế Sergio Massa, đại diện cho liên minh cầm quyền theo đường lối trung tả Unión por la Patria (Liên minh vì Tổ quốc) với 21,02% số phiếu ủng hộ.
Việc hạ nghị sĩ Javier Milei dẫn đầu trong cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ được xem là một bất ngờ do giới quan sát trước đó cho rằng đây là cuộc đua "song mã" giữa liên minh trung tả cầm quyền và liên minh đối lập bảo thủ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá cao các biện pháp kinh tế trên do Chính phủ Argentina thực hiện. Trong tuyên bố, IMF nêu rõ tổ chức này hoan nghênh các cam kết bảo vệ ổn định nền kinh tế vĩ mô, cũng như các biện pháp nhằm xây dựng lại nguồn dự trữ ngoại tệ và củng cố trật tự tài chính do chính phủ Argentina đề ra.
Giám đốc truyền thông của IMF Julie Kozack nhấn mạnh các biện pháp mới được Chính phủ của Tổng thống Alberto Fernández ban hành sẽ giúp nền kinh tế này đi đúng hướng. Ngoài ra, bà Kozack khẳng định Ban Giám đốc IMF sẽ chính thức thông qua việc giải ngân 7,5 tỷ USD cho Argentina trong cuộc họp vào ngày 23.8 tới.
Ứng cử viên Milei là một trong những nhân vật gây tranh cãi trong cuộc bầu cử lần này. Tận dụng làn sóng bất mãn trong cử tri, ông Milei tuyên bố nếu trở thành tổng thống, ông sẽ loại bỏ Ngân hàng Trung ương và đô la hóa nền kinh tế Argentina. Ông cũng ủng hộ cắt giảm mạnh chi tiêu.
Là nền kinh tế lớn thứ ba của Mỹ Latin, Argentina đã đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính trong nhiều năm qua. Dự trữ ngoại hối của nước này đang giảm nhanh và dự báo lạm phát ở mức 142,4% trong năm nay.
Ông Milei là người chỉ trích mạnh mẽ tầng lớp chính trị tham nhũng, nói rằng các nhà lãnh đạo Argentina đã khiến nước này rơi từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác. Ông tin rằng việc thay thế đồng peso bằng đồng đô la Mỹ có thể làm dịu lạm phát, nhưng nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng điều đó sẽ gây ra hỗn loạn tài chính.
Mặc dù chỉ là một cuộc bầu cử sơ bộ song sự kiện này vẫn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đây chính là phép thử lớn nhất về uy tín của các ứng cử viên trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10 tới, đặc biệt là trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang trải qua một giai đoạn biến động về kinh tế vĩ mô với tỷ lệ lạm phát luôn ở mức cao.