Cuộc tổng đình công diễn ra trong bối cảnh Quốc hội nước này đang từng bước thông qua một dự luật mới trao cho Tổng thống quyền lập pháp nhằm đẩy nhanh tiến trình cắt giảm biên chế khu vực công và tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Các dịch vụ công đều đóng cửa
Hiệp hội những người lao động khu vực công (ATE) cho biết 97% công đoàn viên của tổ chức này đã tham gia cuộc tổng đình công kéo dài 24 giờ do Tổng liên đoàn lao động Argentina (CGT) phát động để phản đối những chính sách của Tổng thống cực hữu Javier Milei, người vừa nhậm chức từ tháng 12 năm ngoái.
Cuộc đình công đã khiến hàng trăm chuyến bay phải hủy, toàn bộ các tuyến xe bus quan trọng, đường sắt và tàu điện ngầm đều ngừng hoạt động. Các đại lộ và đường phố chính cũng như các nhà ga đều vắng tanh. Trường học, ngân hàng, các doanh nghiệp và nhiều cơ quan nhà nước bao gồm cả bệnh viện cũng đóng cửa, trừ phòng cấp cứu.
Sân bay quốc tế chính của Argentina đã đưa ra thông báo hủy chuyến ở các tuyến bay. Riêng hãng hàng không hàng đầu của đất nước, Aerolíneas Argentinas, đã hủy gần 200 chuyến bay nội địa và khu vực, đồng thời lên lịch lại hơn chục chuyến bay quốc tế, ảnh hưởng đến 24.000 hành khách và khiến hãng hàng không thiệt hại 2 triệu USD. Chỉ có duy nhất một tuyến xe bus hoạt động trong khi các tuyến khác đều đóng cửa. Ước tính cuộc đình công ảnh hưởng tới 6,6 triệu người đi làm của Argentina.
Lý lẽ của giới công đoàn
Tổ chức công đoàn lớn nhất đất nước CGT cho biết họ đang tổ chức cuộc đình công cùng với các tập đoàn lao động khác “để bảo vệ nền dân chủ, quyền lao động và quyền hưởng lương hưu và yêu cầu mức lương để người lao động có thể đủ sống”.
Các công đoàn cũng cáo buộc: “Người lao động đang phải đối mặt với các chính sách loại bỏ các quyền lao động và xã hội”, đồng thời tìm cách miêu tả cuộc đình công cho thấy sự “tức nước vỡ bờ” của công chúng trước các chính sách thị trường tự do ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầng lớp người dân có thu nhập thấp, tầng lớp trung lưu làm công ăn lương, người về hưu và người hưởng trợ cấp.
Ông Rubén Sobrero, Tổng Thư ký Liên đoàn lao động ngành đường sắt, cho biết các công đoàn sẵn sàng kéo dài cuộc đình công nếu đàm phán không mang lại kết quả. Ông nói: “Nếu Chính phủ không phản hồi trong vòng 24 giờ, chúng tôi sẽ đình công thêm 36 giờ nữa”.
Đây là cuộc đình công thứ hai của công đoàn trên toàn quốc kể từ khi ông Milei lên nắm quyền vào tháng 12 năm ngoái. Các nhà lãnh đạo công đoàn cho biết họ không có lựa chọn nào khác khi phải hành động sau khi Hạ viện Argentina vào tuần trước đã thông qua dự luật cải tổ nhà nước (được gọi là dự luật Cơ bản) bao gồm các gói cải cách của Tổng thống Milei. Ngay cả khi các nhà lập pháp loại bỏ các điều khoản gây tranh cãi nhất, các công đoàn vẫn phản đối kịch liệt các phần khác của gói lập pháp, cho phép nới lỏng các quy định về thị trường lao động và trao cho Tổng thống quyền tái cơ cấu và tư nhân hóa các cơ quan công cộng. Dự luật hiện đang được Thượng viện xem xét.
Phản ứng của Chính phủ
Trong khi đó, Chính phủ đã hạ thấp tầm quan trọng của cuộc tổng đình công và cáo buộc đây là một âm mưu của các đối thủ chính trị cánh tả. Trong ngày 9.5, Tổng thống Milei đã đăng một bức ảnh lên Instagram giơ một chiếc áo bóng đá có in dòng chữ “tôi sẽ không dừng lại”, cho thấy ông sẽ không nhượng bộ trước sức ép của giới lao động.
Trước đó, vào tháng 4, gần 1 triệu người dân đã xuống đường biểu tình, trong đó phần lớn là sinh viên các trường đại học, nhằm phản đối việc Chính phủ cắt giảm hơn 72% ngân sách cho hệ thống giáo dục - mức ngân sách thấp nhất kể từ năm 1997.
Sau khi lên nắm quyền, ông Milei đã áp dụng các biện pháp đau đớn như cắt giảm mạnh chi tiêu công, cắt giảm một nửa Nội các, sa thải nhân công trong lĩnh vực công và đóng băng tất cả các dự án công trình công cộng với hy vọng giải cứu Argentina khỏi cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong hai thập kỷ.
Tổng thống Milei cũng phá giá đồng nội tệ, một động thái nhằm ổn định đồng peso nhưng cũng khiến giá cả tăng vọt. Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Argentina hiện lên tới gần 300% - được coi là cao nhất thế giới, vượt xa cả Lebanon đang bị khủng hoảng. Các chính sách thắt lưng buộc bụng hà khắc, cùng tình trạng tăng giá hàng loạt các dịch vụ công và tình trạng lạm phát vẫn ở mức 2 con số, khiến cuộc sống của người dân Argentina trở nên vô cùng khó khăn và gây bất bình lớn trong xã hội.