Động thái này được thúc đẩy hơn một năm sau khi Syria được tái kết nạp vào tổ chức Liên đoàn Ảrập (LA) gồm 22 thành viên. Tư cách thành viên của Syria bị đình chỉ trong hơn một thập kỷ do LA phản đối các cuộc đàn áp của Tổng thống Bashar Assad đối với những người biểu tình chống chính phủ vào năm 2011.
Việc Syria quay trở lại LA cũng mở đầu cho tiến trình cải thiện quan hệ giữa các nước Ảrập với Syria, trong đó có Ảrập Xêút.
Vào đầu năm nay, Ảrập Xêút đã mở lại Đại sứ quán nước này tại Syria, 12 năm sau khi hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 2012. Quyết định này nhằm đáp lại việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào tháng 12.2023 đã chỉ định ông Ayman Soussan làm Đại sứ Syria tại Ảrập Xêút.
Sau đó, vào tháng 4.2023, Bộ Ngoại giao Syria tuyên bố khôi phục dịch vụ lãnh sự và hoạt động hàng không giữa hai bên, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hàn gắn quan hệ song phương.
Một tháng sau đó, Bộ Ngoại giao Syria tiếp tục tuyên bố mở lại Đại sứ quán tại Riyadh, đáp lại quyết định của Ảrập Xêút mở lại phái bộ ngoại giao tại Damascus.
Việc tái thiết lập quan hệ giữa Riyadh và Damascus đánh dấu bước phát triển quan trọng nhất cho đến nay trong động thái của các quốc gia Ảrập nhằm bình thường hóa quan hệ với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người bị nhiều quốc gia phương Tây và Ảrập xa lánh sau khi cuộc nội chiến ở Syria nổ ra vào năm 2011.
Cuộc nổi dậy chống Chính quyền ở Syria đã biến thành nội chiến ở Syria, hiện đã bước sang năm thứ 14, khiến gần nửa triệu người thiệt mạng và khiến một nửa dân số 23 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Tuy nhiên trong những năm gần đây, cộng đồng quốc tế đã tích cực tìm kiếm một giải pháp chính trị khả thi để chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu này.
Trận động đất mạnh 7,8 độ richter vào tháng 2.2023 làm rung chuyển Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Syria là một trong những chất xúc tác khiến hầu hết các nước Ảrập khôi phục quan hệ với Chính quyền Syria của Tổng thống Assad.
Vào tháng 3.2023, sự kiện Ảrập Xêút và Iran đồng ý thiết lập lại quan hệ ngoại giao sau cuộc hội đàm tại Bắc Kinh, đã đánh dấu bước đột phá ngoại giao lớn giữa hai cộng đồng Hồi giáo lớn nhất là Shiite và Sunni; đồng thời cũng có tác động mạnh mẽ tới mối quan hệ của các nước Ảrập với Syria trong bối cảnh Iran là đồng minh chính trị và quân sự quan trọng của Chính phủ quyền Assad.