APEC là gì?
APEC là viết tắt của cụm từ “Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương”. Đây là một cơ chế diễn đàn nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế giữa các nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nhóm được thành lập với 12 thành viên vào năm 1989, nhưng đến nay đã mở rộng lên 21 thành viên bao gồm Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Mỹ và Australia. APEC hiện chiếm gần 40% dân số thế giới, đóng góp trên 60% GDP và gần 50% thương mại toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh hàng năm quy tụ các nguyên thủ quốc gia, các nhà lãnh đạo kinh tế và ngoại giao hàng đầu khác.
APEC 2023: Kết nối, đổi mới sáng tạo và bao trùm
Các trợ lý Nhà Trắng cho biết mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh năm nay là cố gắng làm cho các nền kinh tế APEC trở nên kiên cường hơn, đặc biệt khi đối mặt với các vấn đề khí hậu ngày càng gia tăng và sau một đại dịch toàn cầu khiến hàng triệu người thiệt mạng và làm căng thẳng chuỗi cung ứng.
Với chủ đề "Kiến tạo một tương lai tự cường, bền vững cho tất cả mọi người", năm APEC 2023 tập trung vào 3 ưu tiên: kết nối, đổi mới sáng tạo, bao trùm. Theo hãng tin Bernama, các cuộc thảo luận tại Tuần lễ cấp cao APEC ở thành phố San Francisco xoay quanh 3 vấn đề, gồm: mở rộng tiếp cận kết nối số; thúc đẩy chuyển đổi năng lượng bền vững và bao trùm; củng cố các mối quan hệ kinh tế và tăng tính tự cường của chuỗi cung ứng.
Ông Matt Murray, quan chức cấp cao phụ trách APEC của Mỹ, cho biết việc là chủ nhà APEC giúp Mỹ có cơ hội định hình các chính sách thương mại và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương năng động.
Những sự kiện nổi bật
Theo kế hoạch, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC diễn ra ngày 13.11, tập trung thảo luận các chính sách thúc đẩy sản lượng kinh tế trong dài hạn, cũng như đánh giá tiến triển về các mục tiêu xã hội, như giảm bất bình đẳng và thiệt hại môi trường.
Sau đó, Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC diễn ra từ ngày 14 đến 16-11, thu hút nhiều doanh nhân và lãnh đạo doanh nghiệp từ khu vực. Còn tại Hội nghị cấp cao APEC diễn ra trong 2 ngày 16 và 17.11, các nhà lãnh đạo sẽ thiết lập chương trình nghị sự chiến lược và những mục tiêu cho khu vực vào năm tới.
Ngoài những hội nghị trên, Tuần lễ cấp cao APEC năm nay còn có hàng loạt sự kiện bên lề quy tụ nhiều doanh gia, học giả, chuyên gia và nhà hoạt động cộng đồng.
Một sự kiện đáng chú ý bên lề Hội nghị cấp cao APEC là cuộc hội đàm dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong ngày 15.11. Tờ South China Morning Post dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về nhiều vấn đề, như: hướng đi chiến lược của mối quan hệ song phương, tầm quan trọng của việc khôi phục đối thoại quân sự song phương, cuộc khủng hoảng ở Ukraine, cuộc xung đột Israel - Gaza…
Nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc trong một năm qua. Đây cũng là giai đoạn chứng kiến quan hệ hai nền kinh tế hàng đầu này căng thẳng. Không gì lạ khi Nhà Trắng giảm nhẹ kỳ vọng cuộc gặp sắp tới sẽ đạt kết quả đột phá.
Một số chuyên gia nhận định với AP rằng việc ngăn quan hệ kinh tế Mỹ - Trung Quốc trở nên xấu thêm sẽ là "chiến thắng" cho cả hai bên. Điều này chắc chắn cũng sẽ có lợi cho kinh tế thế giới, vốn được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kém ấn tượng trong năm nay và năm tới (lần lượt 3% và 2,9%). APEC hiệu quả như thế nào?
Hiệu quả của APEC
Với phạm vi thảo luận gói gọn trong lĩnh vực thương mại và kinh tế, diễn đàn về lý thuyết sẽ không bị ảnh hưởng bởi các vấn đề quân sự cũng như những sự kiện căng thẳng đang diễn ra ở Trung Đông và Ukraine.
Về mặt kỹ thuật, Diễn đàn cũng bao gồm có các “nền kinh tế” thành viên chứ không phải các quốc gia. Sức mạnh của APEC nằm ở khả năng kêu gọi các nước cùng hợp tác thực hiện các sáng kiến lớn và nới lỏng quan hệ kinh doanh mà không cần đến các thỏa thuận ràng buộc. Các nhà kinh tế chỉ ra cách APEC góp phần đáng kể giúp các nền kinh tế thành viên giảm thuế quan và các rào cản thương mại khác.
Những thách thức
Hội nghị APEC đã từng phải đối mặt với những thách thức và khoảnh khắc kịch tính trong những năm gần đây.
Trong hai năm 2020 và 2021, Hội nghị APEC hầu như không diễn ra vì đại dịch Covid-19. Các nhà lãnh đạo đã tập trung tại Bangkok vào năm ngoái, nhưng Tổng thống Biden đã không thể tham dự vì cháu gái của ông sắp kết hôn và ông đã cử Phó Tổng thống Kamala Harris thay thế. Và vào thời điểm đó, mặc dù vấn đề chính trị đáng lẽ không nằm trong nội dung thảo luận, nhưng các đại biểu từ Hoa Kỳ và bốn quốc gia khác đã phản đối khi đại diện Nga tại bắt đầu phát biểu tại hội nghị.
Năm nay, cuộc chiến tại Trung Đông và Ukraine dự kiến vẫn phủ bóng đen lên hội nghị. Thông thường, khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh, tất cả các quốc gia sẽ đưa ra một tuyên bố chung, nhưng điều đó có thể không thể được thực hiện trong năm nay, một phần vì những khác biệt chính trị.
Khả năng chính phủ Mỹ đóng cửa cũng có thể ảnh hưởng đến hội nghị: Chính phủ Mỹ sẽ không có đủ tiền trả lương cho nhân viên nếu không đạt được thỏa thuận tài trợ giữa Quốc hội và Tổng thống. Đó là một lời nhắc nhở dai dẳng về tình trạng rối loạn chính trị của Hoa Kỳ. Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's Investor Service tuần trước đã hạ triển vọng về nợ của chính phủ Mỹ xuống mức "tiêu cực", với lý do lãi suất tăng và tình trạng phân cực chính trị tại Quốc hội.
Trang phục truyền thống của nguyên thủ
Theo truyền thống của các kỳ Hội nghị cấp cao APEC, các nhà lãnh đạo thường cùng nhau chụp một bức ảnh “gia đình”. Tại cuộc họp cấp lãnh đạo đầu tiên cách đây ba thập kỷ, Tổng thống Bill Clinton, người chủ trì ở Seattle, đã trao những chiếc áo khoác bomber bằng da tương tự như áo khoác của các phi công chiến đấu Mỹ. Rõ ràng anh ấy muốn các đồng nghiệp của mình cảm thấy thư giãn, và từ đó, truyền thống đã đã được duy trì.
Kể từ đó, các nhà lãnh đạo APEC đã cùng nhau chụp ảnh chung trong các trang phục truyền thống như áo sơ mi batik (Malaysia, 1998), áo dài Trung Quốc (Thượng Hải, 2001), áo ponchos (Chile, 2004) và áo dài khăn đóng (Việt Nam, 2006), áo truyền thống Tagalog barong của Philippines đã được giới thiệu trong hội nghị thượng đỉnh năm 1996 và một lần nữa vào năm 2015.
Không rõ năm nay liệu trang phục truyền thống có được các nguyên thủ thể hiện ở San Francisco hay không. Lần cuối cùng Mỹ tổ chức hội nghị là ở Hawaii vào năm 2011, Tổng thống Barack Obama khi đó đã bác bỏ ý tưởng này.