“Ảnh xạ” và những kết nối

Sau “Đáy sóng” năm 2015, tháng 11 tới, họa sĩ Trang Thanh Hiền, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, mới lại tổ chức triển lãm cá nhân. “Ảnh xạ” không đơn thuần là sự phản chiếu hay ẩn tàng mà còn là sự kết nối...

“Ảnh xạ” và những kết nối -0
"Tình yêu", Trang Thanh Hiền, 2022

Họa sĩ Trang Thanh Hiền cho biết, cái tên “Ảnh xạ” đến với chị hết sức ngẫu nhiên trong sự tìm kiếm, suy ngẫm về sự sáng tạo của bản thân. “Ảnh xạ là sự phản chiếu, ảnh xạ là sự in dấu, lúc tĩnh lúc động, lúc vô tình, lúc hữu ý. Tôi có thể tự ví tâm hồn mình như một mặt nước hồ, nó ghi nhận phản chiếu vô vàn khoảng khắc cuộc sống, còn tác phẩm hội họa của tôi chính là sự khúc xạ trở lại những giá trị sống đó. Nó bao chứa không chỉ là hình màu, không chỉ là bút mực, không chỉ là kỹ thuật tạo hình, mà cả những nghiên cứu trong suốt một hành trình ngược dòng tìm về mỹ thuật cổ, mỹ thuật Phật giáo và khai phóng tâm hồn mình lên những bức tranh”, họa sĩ giải thích.

Triển lãm lần này bắt đầu với tác phẩm từ những năm 2000 khi họa sĩ chập chững bước những bước đầu tiên trong nghề. Khi đó internet bắt đầu trở thành một phương tiện mới và cũng là thời điểm cho sự lựa chọn sáng tạo hay nghiên cứu. Thời điểm đó chị vẽ khá nhiều, “nhưng rồi việc vẽ tranh đã dừng lại hoặc chỉ là thêm thắt vào những lúc rảnh mà nhường toàn bộ tâm trí cho sự nghiệp nghiên cứu bởi sự hấp dẫn của những thông điệp cha ông ẩn sau những mái đình, mái chùa hay những pho tượng cổ”.

“Ảnh xạ” và những kết nối -1
"Mẹ" - tác phẩm được họa sĩ Trang Thanh Hiền vẽ năm 2002

Tuy vậy trong những tác phẩm được vẽ ra lúc đấy dường như đã vạch rõ một hình hài, một dáng điệu. Điều mà hai mươi năm sau, khi niềm đam mê giục giã, và khi quyết định làm triển lãm cá nhân, chị tìm thấy những tác phẩm của năm 2002 với niềm xúc động khó tả. “Dường như những bức vẽ đó đã khiến tôi trở lại với thời tuổi trẻ của mình để năm 2023 tôi vẽ nhiều hơn bao giờ hết, suy ngẫm nhiều hơn bao giờ hết”.

Trong thế giới ý niệm của họa sĩ Trang Thanh Hiền cũng như niềm ham thích nghiên cứu mỹ thuật cổ là hệ thống các biểu tượng. Phật vốn là một biểu tượng, Phật vừa rõ ràng hiển hiện trong hành động sống của mỗi con người, nhưng bên cạnh đó theo quan niệm của người Việt “Phật tại tâm” là một khái niệm đầy tính chất tinh thần. Thông thường nhất Phật gắn liền với biểu tượng hoa sen, một giá trị tượng trưng từ ngàn đời về sự thanh khiết, sự vươn lên trong bùn nhơ, uế tạp để nở ra những cánh muốt ngần với hương thơm ngát dịu.

“Ảnh xạ” và những kết nối -0
"Tâm sen" - tác phẩm được họa sĩ Trang Thanh Hiền vẽ năm 2023

“Với tôi, trong những bức tranh của mình hình bóng như dáng ngồi của một vị chư Phật là ý niệm không tương liên với giáo lý, tôn giáo, mà chính là ảnh xạ của sự phản ánh biểu tượng đó. Nó như sự hiện hữu của thế giới tinh thần một cách trung trinh, ôm trọn vào đó các giá trị. Trong đó có mưa gió, có núi sông, có sen nở sen tàn, và có cả bản nguyên của con người, nhưng tinh thần trung trinh đó dường như không thay đổi. Nó lấp lánh rực rỡ, hào sảng và cuốn hút tôi vào dòng thác lũ của những cảm xúc sống dậy trong mình. Cảm xúc như sự yêu đương mãnh liệt của thủa đôi mươi, khi tôi vẫn vẽ những đôi môi hóa thành chiếc lá, cánh sen … từ nhiều năm trước”, họa sĩ Trang Thanh Hiền chia sẻ.

Theo họa sĩ Trang Thanh Hiền, “Ảnh xạ” không chỉ đơn thuần là sự phản chiếu hay sự ẩn tàng mà còn là một sự kết nối, giữa hiện tại và quá khứ, giữa những bóng hình biểu tượng đã định hình từ những năm 2000 để vượt thời gian, hiện hữu trong sự đồng hành ngoạn mục giữa nghiên cứu và sáng tác.

Các tác phẩm trong triển lãm “Ảnh xạ” có 3 mốc thời điểm: một bộ 5 bức vẽ năm 2002, series tranh của hai mươi năm sau là năm 2022 và series tranh, tượng được sáng tác trong năm 2023. “Tất cả như những khúc nhạc trong cuộc đời mình mà tôi muốn tỏ bày cùng bè bạn và công chúng”.

Triển lãm “Ảnh xạ” diễn ra từ ngày 7 - 15.11, tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Văn hóa