Một nhân tố đóng góp cho hòa bình
Bà Retno Marsudi - người đứng đầu ngành ngoại giao Indonesia, nước giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2023 nhấn mạnh, hòa bình và ổn định đã được duy trì trong hơn 5 thập kỷ qua đã mang lại sự thịnh vượng cho khu vực Đông Nam Á. "Tăng trưởng kinh tế ở Đông Nam Á, hầu như luôn cao hơn tăng trưởng toàn cầu. Tăng trưởng và thịnh vượng chỉ có thể đạt được nếu có hòa bình và ổn định - và ASEAN đã cố gắng hiện thực hóa chúng cho đến nay", bà Retno Marsudi phát biểu hôm 11.7.
Chuỗi sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị AMM-56 được tổ chức tại Jakarta từ ngày 10.7 đến ngày 14.7. Các sự kiện bao gồm 18 cuộc họp, trong đó có cuộc họp thảo luận về Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), cuộc họp của Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR), phiên họp toàn thể của AMM và phiên họp kín.
Ngoài ra, chương trình nghị sự bao gồm các cuộc gặp cấp ngoại trưởng ASEAN với các đối tác đối thoại của ASEAN, cụ thể là Ấn Độ, New Zealand, Nga, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Canada và Hoa Kỳ.
Chuỗi sự kiện cũng bao gồm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN + 3 (APT), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).
Chuỗi sự kiện có sự tham gia của ít nhất 1.165 đại biểu và 493 phóng viên Indonesia và nước ngoài.
Với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm nay, Indonesia đã nêu ra chủ đề "Các vấn đề của ASEAN: Tâm điểm của tăng trưởng", thể hiện trọng tâm của nước này là định hướng hợp tác nhằm tăng cường sự phù hợp của ASEAN trong việc ứng phó với các thách thức khu vực và toàn cầu, đồng thời xây dựng vị thế của ASEAN như một trung tâm tăng trưởng kinh tế trong khu vực.
Duy trì Đông Nam Á phi hạt nhân
Phát biểu tại Hội nghị Ủy ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), một sự kiện trong chuỗi Hội nghị AMM-56, bà Retno Marsudi nêu rõ: “Chúng ta tiếp tục nghe cảnh báo về nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân và sức mạnh hạt nhân vẫn là một phần trong học thuyết quân sự của một số nước, kể cả các nước trong khu vực. Chúng ta hoàn toàn biết rõ không thể thực sự an toàn với việc vũ khí hạt nhân hiện diện trong khu vực của mình. Với vũ khí hạt nhân, bất kỳ tính toán sai lầm nào cũng sẽ đẩy chúng ta đến ngày tận thế và thảm họa toàn cầu”.
Ngoại trưởng Retno nhấn mạnh rằng việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực là ưu tiên hàng đầu của ASEAN và là nền tảng để biến khu vực thành tâm điểm tăng trưởng. Do đó, các nước ASEAN cần duy trì Đông Nam Á là một khu vực không có vũ khí hạt nhân.
Bà đánh giá SEANWFZ đã đóng góp cho nỗ lực này, cũng như cơ chế giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Indonesia cũng nhắc lại rằng 25 năm sau khi Nghị định thư SEANWFZ ra đời, hiện chưa có quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân (NWS) nào ký kết văn kiện này.
Ngoại trưởng Retno khẳng định “tiến về phía trước là lựa chọn duy nhất.” Trước mối đe dọa hiển hiện, ASEAN cần tạo ra một mặt trận thống nhất nhằm “định hướng một con đường rõ ràng hơn” cho một khu vực không có vũ khí hạt nhân.