Sự cần thiết phải tái chế rác thải nhựa
Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, trên Trái Đất, mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, mỗi năm con người thải ra lượng rác nhựa đủ để bao quanh Trái Đất 4 lần. Trên quy mô toàn cầu, chỉ có 9% rác thải nhựa đang được tái chế, ở Mỹ tỷ lệ tái chế chai nhựa chỉ đạt khoảng 30%, ở Anh là khoảng 20 - 45%. Hiện nay, châu Âu đang đi đầu trong các giải pháp xử lý rác thải, trong đó Đức, Áo và Bỉ, Thụy Điển, Na Uy nằm trong số các nước có hệ thống xử lý rác thải tốt nhất thế giới. Chính quyền và người dân nơi đây đã áp dụng nhiều mô hình tái chế rác thải và thành công trong việc tạo ra vật liệu tái sinh.
Nhiều nước trên thế giới đã đạt được một số thành tựu trong việc nghiên cứu tái chế rác thải nhựa và ứng dụng thành công vào thực tiễn, giải quyết thách thức về quản lý chất thải rắn, đặc biệt là rác thải nhựa. Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2018, nguyên thủ các quốc gia, lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia đã đưa ra các cam kết mạnh mẽ về chống rác thải nhựa bằng những hành động cụ thể để giảm thiểu và cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường, đặc biệt là tăng cường tái chế, tái sử dụng và tuần hoàn chất thải nhựa.
Hiện trạng tái chế chất thải nhựa tại Việt Nam
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải nhựa của Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Ước tính, mỗi năm có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế. Đây là một gánh nặng cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”.
Trong khi đó, ngành công nghiệp tái chế chất thải nhựa của Việt Nam vẫn chưa phát triển. Hoạt động tái chế chất thải nhựa chưa được tổ chức với quy mô lớn, chủ yếu được thực hiện bởi các làng nghề hoặc các doanh nghiệp nhỏ, sử dụng công nghệ đã lỗi thời, hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó thói quen của người dân dùng túi nilon, đồ dùng nhựa một lần ngày càng gia tăng. Đáng lo ngại người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hàng ngày, việc lẫn các loại chất thải nhựa, đặc biệt là nilon tương đối phổ biến. Điều này càng khiến việc xử lý rác thải nhựa thêm khó khăn.
Cơ hội cho ngành nhựa công nghiệp tái chế nhựa
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA), năm 2018, Việt Nam nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu khoảng 5,59 triệu tấn, trị giá xấp xỉ 9,1 tỉ USD, tăng 11,9% về lượng và 20% về trị giá so với năm 2017. VPA dự kiến nhu cầu hạt nhựa được tính toán với tốc độ tăng trưởng lũy kế hằng năm đạt 10%, đến năm 2023 ngành nhựa cần khoảng 10 triệu tấn nguyên liệu nhựa phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Trong số đó, Việt Nam có thể sản xuất được 2,6 triệu tấn, đáp ứng 26%, số còn lại 7,4 triệu tấn phải nhập khẩu.
Như vậy, ngành nhựa phụ thuộc từ 70 - 80% nguyên liệu nhựa nhập khẩu. Cùng với đó, ngành nhựa đang có nguy cơ đối mặt với cơn khát nguyên liệu khi các cơ quan quản lý sẽ siết chặt việc nhập khẩu phế liệu nhựa. Theo dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, quy định từ 1.1.2025 chỉ cho nhập phế liệu làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm nhựa có giá trị cao, không cho nhập phế liệu về sản xuất các sản phẩm trung gian như hạt nhựa hay bột giấy. Dự thảo nghị định cũng yêu cầu doanh nghiệp chỉ được nhập 70% phế liệu nguyên liệu, 30% phải thu gom, tái chế, tái sử dụng phế liệu trong nước.
Hoạt động kinh doanh tái chế chất thải nhựa cũng mang lại nhiều lợi ích. Đầu tiên là tiết kiệm năng lượng cho sản xuất nhựa nguyên sinh, giúp tiết kiệm tài nguyên không thể tái tạo là dầu mỏ, giải quyết hàng loạt các vấn đề môi trường như mất mỹ quan đô thị, tắc nghẽn cống rãnh, suy thoái đất... Theo Hiệp Hội nhựa Việt Nam, nếu sử dụng được nguồn nguyên liệu nhựa tái chế ở mức 35 - 50%/năm, các doanh nghiệp có thể giảm chi phí sản xuất hơn 15%. Các doanh nghiệp tham gia tái chế chất thải nhựa đều có những cơ hội và những thách thức như nhau. Cơ hội ở đây là những chính sách khuyến khích của Chính phủ, là nhu cầu nguyên liệu của ngành sản xuất nhựa; còn thách thức chính là việc đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường thông qua việc đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại, và việc chấp hành các quy định của pháp luật môi trường.
Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại để tái chế chất thải. Đặc biệt, lĩnh vực tái chế nhựa không chỉ góp phần giảm lượng chất thải nhựa thải ra môi trường mà còn tạo ra nguyên liệu phục vụ cho sản xuất các sản phẩm nhựa, nhằm hạn chế việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Nếu đẩy mạnh tái chế nhựa trong nước, chúng ta có thể đáp ứng được 50% nguyên liệu cho ngành sản xuất nhựa.
Theo nhiều doanh nghiệp, trên thực tế việc đầu tư công nghệ để tái chế chất thải không phải là vấn đề khó, rào cản gặp phải hiện nay là định kiến của lãnh đạo địa phương đối với ngành công nghiệp này. Nhiều địa phương từ chối hoặc hạn chế cấp phép đầu tư ngành nghề xử lý chất thải. Số ít doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh do Sở TN-MT, Bộ TN-MT cấp phép nhưng phải hoạt động với quy mô rất hạn chế. Phần lớn các cơ sở tái chế chất thải lại hoạt động ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, tập trung nhiều nhất tại vùng ven. Các cơ sở trên cũng chưa có thực lực tài chính đủ để cải tạo, đổi mới quy trình tái chế đáp ứng xu hướng chất thải phát sinh thực tế. Mặt khác, cũng đang vấp phải sự phản ứng tiêu cực từ phía cộng đồng do gây ảnh hưởng chung chất lượng sống của người dân.
Không dừng lại đó, những chính sách ưu đãi đầu tư từ phía Chính phủ, bộ ngành liên quan phải được các địa phương triệt để triển khai, kết hợp thắt chặt công tác hậu kiểm. Đây là cơ sở để đẩy nhanh tiến độ xã hội hóa đầu tư hạ tầng tiếp nhận và xử lý chất thải nói chung, từng bước đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải ngày càng nhiều của doanh nghiệp với giá thành hợp lý, giảm nguy cơ chất thải đang bị đổ bừa bãi ra môi trường do thiếu đơn vị xử lý. Hiện nay Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực tái chế nhựa tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với lãi suất chỉ từ 2,6 - 3,6%/năm, cho vay tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án...
Bên cạnh đó, cần thiết phải có các giải pháp công nghệ - kỹ thuật thân thiện môi trường trong tái chế tái sử dụng, hoặc tạo sản phẩm nhựa sinh học dễ phân hủy dùng trong đời sống. Hiệp hội Nhựa Việt Nam cũng khuyến khích các doanh nghiệp tái chế nhựa phải dành ưu tiên hàng đầu cho việc sử dụng các chất thải nhựa phát sinh ở trong nước.