PV: Thưa ông, hiện nay, hệ thống xử lý nước thải tại các bệnh viện ở Đà Nẵng hoạt động như thế nào?
Bác sĩ Võ Thu Tùng – Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng: Hiện nay, thành phố có 22 bệnh viện, trong đó có 11 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế (2 bệnh viện đa khoa, 9 bệnh viện chuyên khoa); 4 bệnh viện trực thuộc bộ ngành và 7 bệnh viện tư nhân; 7 Trung tâm Y tế quận, huyện; hơn 800 phòng khám chuyên khoa tư nhân cùng hệ thống trạm y tế xã/phường, các phòng khám đa khoa…
Đối với các bệnh viện, Trung tâm Y tế có giường bệnh trên địa bàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, hiện có 3 Bệnh viện, Trung tâm Y tế có hệ thống xử lý nước thải hư hỏng, xuống cấp, không hoạt động là: Trung tâm Y tế Sơn Trà, Trung tâm Y tế Ngũ Hành Sơn và bệnh viện Tâm thần. Còn đối với Bệnh viện Phổi thì hệ thống xử lý nước thải vẫn hoạt động, tuy nhiên hệ thống cũ, có dấu hiệu xuống cấp, máy bơm hư hỏng nhiều lần.
Đối với 3 Bệnh viện, Trung tâm Y tế có hệ thống xử lý nước thải hư hỏng, xuống cấp, không hoạt động, các đơn vị thực hiện bảo trì, sửa chữa nhỏ, máy móc nhỏ để đảm bảo vận hành hệ thống xử lý nước thải, bao gồm xử lý thủ công, pha loãng cloramin B và khử khuẩn bằng phương pháp nhỏ giọt liên tục; kết quả quan trắc nước thải định kỳ của các đơn vị nhìn chung đạt tiêu chuẩn về cột B QCVN 28:2010/BTNMT, tuy nhiên một số chỉ số không đạt như Amoni, TSS ...
PV: Công tác kiểm tra, giám sát việc xử lý chất thải thời gian qua tại các bệnh viện ra sao, thưa ông?
Bác sĩ Võ Thu Tùng – Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng: Năm 2022, Sở Y tế ban hành Kế hoạch, thành lập Đoàn kiểm tra công tác quản lý chất thải y tế tại 19 cơ sở y tế, trong đó có 1 bệnh viện tư nhân, 9 phòng khám đa khoa tư nhân; năm 2023, tiếp tục kiểm tra công tác quản lý chất thải y tế tại 38 cơ sở y tế, trong đó có 5 bệnh viện tư nhân, 15 phòng khám đa khoa, phòng xét nghiệm tư nhân. Năm 2024, tiếp tục kiểm tra công tác quản lý chất thải y tế tại 28 cơ sở y tế, bao gồm 9 Bệnh viện, Trung tâm Y tế, 19 phòng khám đa khoa, chuyên khoa, phòng xét nghiệm.
Các cơ sở y tế tư nhân nhìn chung đã đầu tư, nổ lực, thực hiện nghiêm túc công tác quản lý chất thải y tế trong khuôn viên cơ sở y tế; hầu hết các đơn vị đều có giấy phép xả thải vào hệ thống xử lý nước thải chung của thành phố, kết quả quan trắc nước thải đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Các tồn tại hạn chế chủ yếu rơi vào các nội dung: báo cáo, tổng hợp số liệu, hồ sơ, thủ tục, lưu giữ chất thải tạm thời, giảm thiểu chất thải nhựa phát sinh trong quá trình thực hiện chuyên môn. Trong quá trình kiểm tra, các đoàn kiểm tra đã hướng dẫn, nhắc nhở, kiểm điểm, xử phạt các đơn vị chưa đảm bảo quy định.
PV: Quá trình xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải của các bệnh viện trên địa bàn có khó khăn, vướng mắc gì?
Bác sĩ Võ Thu Tùng – Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng: Cơ sở y tế hoạt động chuyên môn khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân nhưng công tác quản lý chất thải theo các quy định chuyên môn ngành môi trường, bên cạnh đó, cơ sở y tế được xây dựng bởi Ban Quản lý dự án xây dựng và chịu trách nhiệm về hồ sơ pháp lý các công trình, trong đó có công trình môi trường. Vì thế một số đơn vị gặp khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục, quy định liên quan đến giấy phép môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, quan trắc môi trường…
Ngoài ra, kinh phí chi cho đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế còn thiếu trong khi nhu cầu đầu tư để xây dựng/cải tạo các hệ thống xử lý chất thải y tế là rất lớn.
PV: Giải pháp của ngành y tế TP. Đà Nẵng đối với các cơ sở y tế chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải là gì, thưa ông?
Bác sĩ Võ Thu Tùng – Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng: Về giải pháp của ngành y tế thì bệnh viện Phổi đã có tờ trình Sở Y tế trình UBND thành phố về đầu tư để khắc phục hệ thống xử lý nước thải hư hỏng, xuống cấp trong khi chờ quy hoạch tổng thể. Bệnh viện Tâm thần: đã có chủ trương cho đầu tư, sửa chữa; đối với sửa chữa nhỏ, các sự cố máy móc sử dụng kinh phí đơn vị.
Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn: đang trong quá trình xây dựng, hệ thống xử lý nước thải mới đang được đầu tư, xây dựng cùng với công trình. Trung tâm Y tế quận Sơn Trà: đã có phương án xây dựng TTYT Sơn Trà giai đoạn 2, hệ thống xử lý nước thải của cả công trình giai đoạn 1, giai đoạn 2 được tích hợp vào trong lần xây dựng giai đoạn 2 lần này. Đơn vị thực hiện bảo trì, sửa chữa nhỏ, máy móc nhỏ để đảm bảo vận hành hệ thống xử lý nước thải, bao gồm xử lý bằng tay, pha loãng cloramin B và khử khuẩn bằng phương pháp nhỏ giọt liên tục.
Thời gian tới Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các đơn vị tiếp tục tổ chức thực hiện công tác quản lý chất thải y tế, vệ sinh môi trường y tế, cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp, thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định.
Chỉ đạo các đơn vị, cơ sở y tế thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh, khắc phục ngay các hạn chế, thiếu sót tại từng khoa, phòng, bộ phận, cá nhân, tổ chức, quy trình, các điều kiện dẫn đến chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, tiêu chí cơ sở y tế xanh sạch đẹp, quản lý chất thải y tế.
Xin cảm ơn ông!
Trước đó, Báo Đại biểu Nhân dân đã có loạt bài phản ánh về thực trạng xử lý nước thải tại một số cơ sở y tế trên địa bàn TP. Đà Nẵng không đảm bảo tiêu chuẩn. Hệ thống xử lý bị hư hỏng, “đứng bánh” nhiều năm qua khiến nguồn nước thải chảy thẳng ra khu dân cư bốc mùi hôi thối hoặc tự thấm vào lòng đất gây ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng này, các chuyên gia về môi trường, bác sĩ về y tế dự phòng cũng đã cảnh báo nguồn nước thải y tế chứa nhiều loại vi khuẩn, vi rút và các mầm bệnh sinh học khác, thậm chí cả chất phóng xạ (được sử dụng trong hoạt động chụp chiếu, thăm dò hình ảnh) nên cần phải được xử lý theo quy trình nghiêm ngặt, có sự giám sát, đánh giá chặt chẽ.